Bảo vệ Chủ tịch công đoàn cơ sở bị cho thôi việc trái luật ở Bắc Giang: Vai trò đậm nét của các cấp công đoàn


Ngày xuất bản: 20/12/2016 12:41:35 SA
Lượt đọc: 9307

 

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Văn Ngàng (trái) làm việc với lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Bắc Giang và một số ngành của tỉnh về vụ việc của ông Thân Quang Trường. Ảnh: Quế Chi

Sau hơn 3 tháng, vụ việc ông Thân Quang Trường - Chủ tịch CĐCS Cty TNHH TY&CO (Bắc Giang) - bị Cty này đuổi việc trái luật đã được giải quyết. Cty đã thừa nhận hành vi sai trái, thực hiện bồi thường và nhận ông Trường làm việc trở lại. Kết quả ấy, bên cạnh sự đấu tranh không mệt mỏi của ông Trường, còn có sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt, đầy trách nhiệm và bài bản của các cấp CĐ từ cấp huyện đến Tổng LĐLĐVN.

“Cả hệ thống công đoàn bảo vệ, việc gì phải sợ?”

Ngay sau khi kết thúc buổi thương lượng hòa giải ngày 14.12, ông Thân Quang Trường xúc động bày tỏ: “Nếu không có sự vào cuộc kịp thời, nhiệt tình của CĐ các cấp, thì chắc rằng đã không có kết quả như ngày hôm nay”. Ông Trường cho biết, ngay sau khi nhận được đơn kiến nghị của ông, các cán bộ CĐ huyện Việt Yên đã làm việc với lãnh đạo Cty để giải quyết vụ việc. Khi Cty khăng khăng không chịu nhận sai và bồi thường cho NLĐ, không chỉ cấp huyện, mà LĐLĐ tỉnh cũng đã cử người góp phần bảo vệ quyền lợi cán bộ tổ chức mình, vạch rõ những sai phạm của Cty. LĐLĐ tỉnh chủ động thuê luật sư (chi phí do LĐLĐ tỉnh trả) để hỗ trợ pháp lý cho ông Trường. Điều này, khiến ông Trường rất cảm động trước sự quan tâm thiết thực của tổ chức mà mình là thành viên.

“Trong vụ việc của mình, tôi đã tiếp xúc với nhiều cán bộ CĐ các cấp. Ai cũng nhiệt tình, tận tâm với tôi. Các cán bộ CĐ huyện, tỉnh còn tư vấn về luật cho tôi cũng như hướng dẫn “đường đi nước bước” theo trình tự của pháp luật để làm sao cuối cùng Cty phải “tâm phục, khẩu phục”, nhận sai và bồi thường cho NLĐ” - ông Trường chia sẻ. Con đường đi đòi quyền lợi chính đáng của ông Trường không bằng phẳng mà gặp khá nhiều chông gai, trì hoãn do Cty không thừa nhận sai, không bồi thường theo như đề nghị của NLĐ. Tuy vậy, ông Trường không nản chí mà có niềm tin tuyệt đối vụ việc mình sẽ được giải quyết, bởi vì còn có cả hệ thống CĐ các cấp, NLĐ trong Cty bảo vệ mình. Các cấp CĐ còn tặng quà hỗ trợ ông Trường, khi khó khăn, mất việc làm (Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động hỗ trợ 5 triệu đồng; LĐLĐ tỉnh và LĐLĐ huyện mỗi bên hỗ trợ 1 triệu đồng). “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, tấm lòng của tổ chức CĐ, của các đoàn viên đã làm ông Trường rất cảm động và tự hào về tổ chức của mình.

Ông Trường chia sẻ, qua vụ việc, càng thấy được CĐ là một tổ chức mạnh mẽ, bảo vệ được đoàn viên, NLĐ của mình trên toàn quốc. “Vì vậy, những cán bộ CĐ như tôi đã dám đứng ra đấu tranh bảo vệ quyền lợi của đoàn viên NLĐ. Mình cứ đúng quy định mà làm thôi, không sợ sệt gì cả” - ông Trường chia sẻ.

Cách làm của Công đoàn Bắc Giang là điển hình

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch LĐLĐ huyện Việt Yên - đây là vụ đầu tiên ở huyện (và cũng là ở tỉnh Bắc Giang) Chủ tịch CĐCS bị đuổi việc trái pháp luật. Vì thế, khi sự việc xảy ra, LĐLĐ huyện đã tiếp cận sự việc sớm, đồng thời báo cáo kịp thời với cấp ủy địa phương, LĐLĐ tỉnh để phối hợp giải quyết. “Đồng thời, khi đã có đơn kiện của đương sự thì chúng tôi cũng chủ động phối hợp sát sao với TAND huyện để nhanh chóng giải quyết” - ông Hùng chia sẻ.

Còn ông Nghiêm Xuân Hưởng - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - cho rằng: Sự việc được giải quyết nhanh chóng, đúng pháp luật là do LĐLĐ đã chủ động ngay từ ban đầu khi sự việc xảy ra: Chủ động phối hợp với CĐ cấp trên cơ sở, Sở LĐTBXH và các ngành liên quan; chủ động tìm và bố trí luật sư để hỗ trợ Chủ tịch CĐCS - người bị hại. Bên cạnh đó, không thể không kể đến sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các đồng chí Thường trực Tổng LĐLĐVN và hiệu quả của công tác truyền thông.

Như Báo Lao Động đã đăng tải, Tổng LĐLĐVN đã rất quan tâm tới vụ việc của ông Trường và đã có sự chỉ đạo quyết liệt để giải quyết vụ việc. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Văn Ngàng đã trực tiếp xuống tận địa phương để giải quyết vụ việc. Theo Phó Chủ tịch, đây là vụ điển hình từ tranh chấp LĐ rồi phát sinh tranh chấp liên quan đến CĐ.

Theo Phó Chủ tịch, các cấp CĐ đã động viên nhiều lực lượng vào cuộc. Chủ trương của Tổng LĐLĐVN là thương lượng, hòa giải đến cùng, đảm bảo quyền lợi NLĐ và quyền hoạt động của tổ chức CĐ; đồng thời để chủ DN hiểu về pháp luật, phấn khởi, tiếp tục đầu tư, giải quyết việc làm và xây dựng quan hệ LĐ hài hòa ở DN.

“LĐLĐ tỉnh, LĐLĐ huyện đã nắm chắc nghiệp vụ, kỹ năng tốt để nhanh chóng vào cuộc giải quyết vụ việc. Các cấp CĐ cả nước nên nghiên cứu cách giải quyết như đã làm ở Bắc Giang để áp dụng vào thực tế địa phương mình nếu có những vụ việc tương tự xảy ra, từ đó bảo vệ được cán bộ CĐ, NLĐ, tăng cường uy tín của tổ chức CĐ VN” - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết.

*Ông Nguyễn Hồng Điệp - Chủ nhiệm UBKT LĐLĐ tỉnh, người được Chủ tịch LĐLĐ tỉnh giao giải quyết vụ việc - chia sẻ kinh nghiệm, ngay sau khi nhận được đơn đề nghị của NLĐ (hoặc chỉ là thông tin NLĐ trình bày trực tiếp) thì CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở khẩn trương, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan xuống DN, gặp gỡ chủ DN, cán bộ CĐCS và NLĐ để tìm ra nguyên nhân xảy ra vụ việc, đề ra các ý kiến kiến nghị tại DN với những nội dung đúng với quy định của pháp luật. Nếu chủ DN trây ỳ, cố tình vi phạm pháp luật LĐ thì báo cáo CĐ cấp trên đề nghị Sở LĐTBXH tiến hành thanh tra xử phạt DN vi phạm hoặc hướng dẫn NLĐ khởi kiện ra tòa. Để đại diện bảo vệ NLĐ trong các vụ tranh chấp LĐ (nói chung), khiếu nại LĐ, Luật CĐ (nói riêng), cần phải đảm bảo đồng thời ba yếu tố: Căn cứ pháp lý vững chắc; tài liệu, chứng cứ rõ ràng và lập luận sắc bén. Như vậy, khi nghiên cứu hồ sơ về khiếu nại của NLĐ, điều quan trọng nhất là cần xác định được vấn đề tranh chấp được điều chỉnh bởi văn bản pháp luật nào. Công việc thu thập tài liệu, chứng cứ là một bước quan trọng trong quá trình tham gia giải quyết khiếu nại của NLĐ. Thông thường, trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ là của đương sự. Nhưng khi NLĐ không thể cung cấp được, muốn giải quyết vụ việc khách quan, trung thực, đúng pháp luật, thì cán bộ CĐ cần chủ động hỗ trợ NLĐ tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ.

Để đi đến thành công trong công tác này, điều cần nhất của người cán bộ CĐ là lòng nhiệt huyết, bản lĩnh, nắm vững văn bản pháp luật. Nhưng con đường đi đến đó lại chính là: Người cán bộ CĐ trước hết phải làm sao để được NLĐ xem là chỗ dựa của chính họ, khi NLĐ đã tin cậy, họ sẽ chia sẻ hết mọi vấn đề liên quan đến vụ việc.

(Báo Lao động)

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter