Đa phần công nhân đang trong tình trạng 5 không


Ngày xuất bản: 02/11/2017 2:21:00 CH
Lượt đọc: 11718

  

Công nhân Văn Thị Thu Thảo và Lèng Thị Phượng chuẩn bị bữa ăn tối với rau và một ít thịt lợn. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, vấn đề lao động việc làm đặc biệt được các đại biểu Quốc hội quan tâm và thảo luận sôi nổi. Có những vấn đề được các đại biểu phản biện nhiều lần để tìm ra giải pháp tốt nhất đáp ứng chính sách vì người lao động. Bên lề kỳ họp, Lao Động đã có cuộc trao đổi cùng đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) về đời sống văn hóa công nhân tại các khu công nghiệp. Ông Hùng bày tỏ:

- Theo con số thống kê của Tổng LĐLĐVN, tính đến tháng 11.2016, cả nước có gần 10 triệu đoàn viên, trong đó có khoảng 3 triệu công nhân đang làm việc tại 344 khu công nghiệp, và con số này dự báo sẽ còn tăng mạnh. Tuy nhiên, mức độ hưởng thụ văn hóa của công nhân còn quá hạn chế, mà lý do được một số chính quyền địa phương đưa ra là trước đây quy hoạch các KCN không tính đầy đủ đến thiết chế văn hóa - thể thao dành cho đối tượng này. Qua giám sát của UBVHGDTNTNNĐ của Quốc hội 2017 thì: Cả nước hiện mới chỉ có 3 Nhà văn hóa công nhân KCN tại Vĩnh Phúc, Hà Nam và Bình Dương, nhưng cũng chưa thực sự thu hút được nhiều công nhân tham gia.

Hiện đang tồn tại nghịch lý giữa sự tăng trưởng kinh tế, lợi nhuận của doanh nghiệp và đời sống công nhân, trong đó có đời sống tinh thần, văn hóa. Theo kết quả khảo sát trong quý I/2017 của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐVN), thu nhập từ lương cơ bản và lương làm thêm giờ của người lao động đạt bình quân 4,72 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, họ phải chi tiêu trung bình 4,52 triệu đồng/tháng cho nhu cầu tối thiểu. Chỉ có 16% số người lao động được hỏi cho biết có dư dật, tích lũy; trên 51% vừa đủ trang trải cuộc sống; trên 20% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% không thể đủ sống. Thực tế này lý giải tại sao công nhân muốn làm tăng ca để thêm thu nhập trang trải cuộc sống, chứ không nghĩ đến các hoạt động văn hóa - thể thao.

Theo ông, công nhân tại các KCN đang thiếu thốn nhất ở những khía cạnh nào?

- Đa phần công nhân tại các KCN trẻ tuổi, chưa lập gia đình, nhưng có ý kiến nhận xét rằng rất nhiều người trong số họ đang trong tình trạng 5 không: Không nhà cửa, không gia đình, không tình yêu, không vui chơi giải trí, không thể dục thể thao… Đời sống vật chất khó khăn và cường độ lao động cao khiến mức hưởng thụ văn hóa của công nhân hầu như không có gì đáng kể. Phần lớn công nhân không được tiếp nhận thường xuyên và đầy đủ thông tin, chính trị - xã hội và chính sách, pháp luật, trong đó có cả những quy định về quyền và lợi ích hợp pháp liên quan trực tiếp đến mình. Chính vì thế mà tranh chấp và xung đột lao động tăng lên, cùng với đó là xu hướng gia tăng tệ nạn xã hội ở khu vực này… Sáng vào nhà máy, tối về nhà, làm việc như cái máy cũng đặt ra vấn đề bảo đảm thể lực cho công nhân, ảnh hưởng đến giống nòi sau này và cả năng suất lao động.

Khi đầu tư xây dựng KCN, các chủ đầu tư đều có cam kết đảm bảo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, nhưng thực tế lại khác. Vậy theo ông, cần phải làm gì để đảm bảo các chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết ban đầu?

- Mặc dù khi xin giấy phép đầu tư các chủ doanh nghiệp trong các KCN đã có cam kết về các quy định bảo đảm đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, nhưng mới chỉ là hình thức, hầu như không tổ chức hoạt động gì. Và việc họ thực hiện cam kết đến đâu thì cũng không được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Vì thế, các thiết chế văn hóa - thể thao cho công nhân có thể có đấy, nhưng cách quản lý, khai thác lao động tại các KCN chặt chẽ, với tần suất cao, khiến công nhân không còn thời gian để hưởng thụ hoạt động văn hóa - văn nghệ hiếm hoi.

Từ thực trạng trên, thứ nhất, tôi đề nghị Chính phủ rà soát chính sách hợp lý để tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức công đoàn cơ sở tại các KCN, bảo đảm cho công đoàn thực sự là tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công nhân, chứ không phải là ăn lương của giới chủ nên phải đại diện cho giới chủ để vỗ về công nhân khi có những khiếu nại đòi quyền lợi, như ở một số doanh nghiệp hiện nay.

Thứ hai, tôi cũng đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần có những quy định cụ thể nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, và chủ sử dụng lao động về tầm quan trọng của việc bảo đảm quyền hưởng thụ văn hóa của công nhân, người lao động ở KCN, ở các doanh nghiệp. Theo đó, công nhân được quyền có thời gian để tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao; được quyền tiếp cận thông tin giải trí; được tổ chức các sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, thỏa mãn nhu cầu giải trí và các hoạt động xã hội.

Thứ ba, rất quan trọng, là phải tăng mức lương tối thiểu vùng đủ để đảm bảo mức sống tối thiểu của công nhân. Khi lương, thu nhập đủ sống, công nhân mới nghĩ đến hưởng thụ đời sống văn hóa, giải trí để tái tạo sức lao động.

Khi chất lượng sống của công nhân tốt hơn thì hiệu quả lao động sẽ cao hơn, công nhân sẽ toàn tâm, toàn ý phục vụ doanh nghiệp. Điều này có lợi cho cả người lao động và chủ sử dụng lao động, cũng là cách thể hiện và chứng minh tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn đất nước đang tiến hành đổi mới, phát triển”.

- Xin cảm ơn ông!

ĐỨC THÀNH - XUÂN HẢI (THỰC HIỆN)

(Báo Lao động)

 

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter