Thu kinh phí công đoàn: Chủ doanh nghiệp hãy nghĩ đến trách nhiệm xã hội!


Ngày xuất bản: 04/03/2015 8:37:06 SA
Lượt đọc: 7397

 YBĐT - Thực hiện Nghị định số 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ (gọi tắt là NĐ 191), Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Yên Bái đã xây dựng Đề án phân cấp và phân cấp thí điểm quản lý tài chính công đoàn cho một số công đoàn cấp trên trực tiếp nhằm tạo điều kiện, động lực thúc đẩy khai thác nguồn thu, không làm ảnh hưởng tới tính chủ động trong sử dụng nguồn thu tài chính công đoàn phục vụ hoạt động của công đoàn các cấp.

 

 

Các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước cần chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về việc trích nộp tài chính công đoàn. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Khai khoáng Thanh Sơn (Lục Yên) trong khâu hoàn thiện sản phẩm.

Kết quả thí điểm

Thu kinh phí công đoàn đã được Luật Công đoàn quy định đồng thời NĐ 191 quy định chi tiết về tài chính công đoàn cùng hệ thống văn bản của các cấp chính quyền. Tuy nhiên, NĐ 191 không có chế tài xử phạt về đóng kinh phí công đoàn, chưa có chương trình phối hợp giữa Bộ Tài chính và Tổng LĐLĐ Việt Nam về phối hợp thực hiện thu kinh phí công đoàn.

Trong khi đó, đây là năm đầu tiên thực hiện phân cấp thu tài chính công đoàn, lực lượng cán bộ chuyên trách công đoàn thiếu, phải tham gia nhiều nhiệm vụ khác của ngành, địa phương; địa bàn hoạt động rộng, khu công nghiệp đã có nhưng chưa phát triển, doanh nghiệp nhỏ lẻ, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Trong điều kiện cụ thể của địa phương, LĐLĐ tỉnh đã có quyết định về thí điểm phân cấp tài chính công đoàn, tham mưu với UBND tỉnh ban hành Công văn số 261/UBND -VX ngày 27/2/2014 về thực hiện thu kinh phí công đoàn theo Luật Công đoàn, chọn LĐLĐ huyện Yên Bình làm đơn vị thực hiện thí điểm phân cấp toàn diện.

Ngay sau khi có quyết định, LĐLĐ huyện Yên Bình đã thống nhất các giải pháp, chia các tổ công tác tiếp cận, tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thu kinh phí công đoàn và giao chỉ tiêu cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. Mặc dù 100% doanh nghiệp trên địa bàn huyện có quy mô nhỏ, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, người lao động làm việc tại doanh nghiệp chủ yếu theo mùa vụ, thường xuyên biến động… và cán bộ LĐLĐ huyện vừa phải tiếp cận doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động thu kinh phí công đoàn lại vừa phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nhưng kết thúc năm 2014 LĐLĐ huyện đã hoàn thành thu 100% kế hoạch khối hành chính sự nghiệp và 103% kế hoạch của khối sản xuất, kinh doanh gồm 9 doanh nghiệp, trong đó có 3 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn và 6 doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn.

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hương - Phó chủ tịch LĐLĐ huyện cho biết: "Xác định công tác thu kinh phí công đoàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm bởi có kinh phí công đoàn mới có thể tổ chức được các hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho người lao động cũng như tổ chức và thực hiện tốt vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn nên các cán bộ chuyên trách của LĐLĐ huyện rất cố gắng triển khai công tác theo trình tự hợp lý, tạo thiện cảm và sự ủng hộ của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và giám đốc các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong triển khai thu kinh phí công đoàn, LĐLĐ huyện còn có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Qua đó, công tác thu kinh phí công đoàn đã đạt được kết quả bước đầu rất khả quan".

Qua 1 năm thí điểm phân cấp tài chính công đoàn, 100% LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền, chuyên môn chỉ đạo thu tài chính công đoàn. Đối với công đoàn ngành, do cấp ủy không chỉ đạo trực tiếp doanh nghiệp ngoài Nhà nước nên không có văn bản chỉ đạo thực hiện Luật Công đoàn và NĐ 191. Các đơn vị bám sát chỉ tiêu giao dự toán thu tài chính của LĐLĐ tỉnh và tính toán giao chỉ tiêu cho các doanh nghiệp. Các đơn vị khảo sát các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn cũng như doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn có khả năng nộp kinh phí công đoàn để phân bổ chỉ tiêu cho các doanh nghiệp thực hiện. Nhiều đơn vị đã tổ chức gặp mặt, tọa đàm với các chủ doanh nghiệp, mời lãnh đạo địa phương dự, chỉ đạo thực hiện Luật Công đoàn... nên thu được kết quả bước đầu khá khả quan.

Còn những khó khăn

Hiện toàn tỉnh có 1.345 doanh nghiệp, 325 hợp tác xã và 20.611 hộ kinh doanh cá thể. Mặc dù số doanh nghiệp nhiều nhưng do các khu công nghiệp chưa phát triển, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể; quy mô doanh nghiệp nhỏ lẻ, đa số có quy mô hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ, số lao động đóng bảo hiểm ít nhưng các cấp công đoàn toàn tỉnh đã thực hiện thu đạt 91% kế hoạch.

Là năm đầu phân cấp, kế hoạch thu còn thấp, các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đối với huyện, thị xã, thành phố tạm tính 30% số lao động đóng bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn thu 15% số lao động trong doanh nghiệp. Do đó, kết quả thu ở doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã đạt 135% kế hoạch giao; các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn thu rất thấp, đạt 11,4%. Qua đó cho thấy, ở các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, chủ doanh nghiệp đã quan tâm. Ý thức chấp hành pháp luật ở một số doanh nghiệp chưa cao, việc tiếp cận doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn rất khó khăn do địa chỉ các doanh nghiệp biến động hoặc địa chỉ doanh nghiệp chưa rõ ràng, thậm chí không tìm được trụ sở doanh nghiệp. Có trường hợp trụ sở doanh nghiệp ở địa phương này nhưng đơn vị đó lại sản xuất, kinh doanh tại địa phương khác.

Mặt khác, công tác tham mưu ở một số tổ chức công đoàn với cấp ủy, chính quyền chưa kịp thời; một số đơn vị triển khai xây dựng kế hoạch chậm. Có công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chỉ giao kế hoạch thu cho doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn nên vẫn “hoãn” trách nhiệm này với doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn.

Theo lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, nguyên nhân của hạn chế này do năm 2014 là năm đầu thực hiện phân cấp tài chính công đoàn cho các đơn vị nên từ khâu giao kế hoạch đến khâu khảo sát các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn cũng như doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn chưa chính xác, kịp thời. Nhiều đơn vị còn lúng túng trong tính toán, phân bổ chỉ tiêu thu tài chính công đoàn cho các doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý nên có đơn vị 6 tháng sau mới dự kiến danh sách doanh nghiệp để giao chỉ tiêu nộp tài chính công đoàn.

Một nguyên nhân nữa là do công tác tuyên truyền Luật Công đoàn và NĐ 191 đến người sử dụng lao động, người lao động chưa thường xuyên; nhận thức của cán bộ chuyên trách về tài chính công đoàn chưa sâu, năng lực hạn chế; một số đơn vị chưa chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền nhiều giải pháp về thu tài chính công đoàn; một số cấp ủy chưa thực sự coi trọng, quan tâm, tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động, thậm chí còn suy nghĩ công đoàn là hệ thống hưởng lương ngành dọc, kinh phí cao hơn các đoàn thể khác nên chưa chú trọng chỉ đạo. Đặc biệt, do chưa có chế tài xử phạt những doanh nghiệp chây ỳ kinh phí công đoàn nên tổ chức công đoàn không thể ép buộc các doanh nghiệp phải đóng tài chính công đoàn như khi thực hiện Luật Thuế, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Thanh tra...

Cần quyết liệt hơn

Điều 26, 27, 28, 29 Luật Công đoàn nêu rõ về tài chính công đoàn như: đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; tài chính công đoàn được sử dụng cho hoạt động thực hiện quyền, trách nhiệm của công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn, bao gồm các nhiệm vụ: tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn vững mạnh, tổ chức phong trào thi đua do công đoàn phát động, đào tạo, bồi dưỡng người lao động ưu tú tạo nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn, thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn, tổ chức hoạt động chăm lo khác cho người lao động; động viên, khen thưởng người lao động, con của người lao động có thành tích trong học tập, công tác...

Còn với NĐ 191 đã quy định rõ đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại Khoản 2, Điều 26, Luật Công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, bao gồm: cơ quan Nhà nước (kể cả UBND xã, phường, thị trấn), đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động. NĐ 191 quy định mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Tất cả những nội dung từ nguyên tắc quản lý và sử dụng tài chính công đoàn, phương thức đóng kinh phí công đoàn, nguồn đóng kinh phí công đoàn, hiệu lực thi hành, trách nhiệm tổ chức thực hiện... đều được NĐ 191 quy định rõ nhưng đáng tiếc trong văn bản này lại không có chế tài xử phạt nên đây là điều kiện để nhiều đơn vị doanh nghiệp không thực hiện thu nộp tài chính công đoàn. Năm 2014, các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn thuộc ngành y tế, xây dựng, công thương, nông nghiệp, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Trạm Tấu không thực hiện nộp kinh phí công đoàn.

Để thực hiện nghiêm túc Luật Công đoàn và NĐ 191 trong năm 2015, cán bộ công đoàn cần nhận thức rõ, đầy đủ về lĩnh vực tài chính công đoàn, tiếp cận thu kinh phí công đoàn từ khối doanh nghiệp, cần kiên trì tiếp cận doanh nghiệp qua tuyên truyền, vận động để chủ doanh nghiệp tự giác thực hiện nghĩa vụ, rà soát, khảo sát toàn bộ doanh nghiệp trên địa bàn quản lý, phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo hiểm xã hội để nắm số lao động và quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ thu kinh phí công đoàn. Đồng chí Vương Văn Bằng - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Yên Bái cho biết: "Năm 2015, ngoài làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền, các cấp công đoàn cần phân công rõ nhiệm vụ cho từng đồng chí trong ban thường vụ, ban chấp hành cấp trên cơ sở, nhất là cán bộ chuyên trách công đoàn trong đôn đốc thu tài chính công đoàn; tổ chức ký các chương trình phối hợp với các cơ quan chức năng như thuế, thanh tra, UBND các xã, thị trấn cùng thực hiện thu tài chính công đoàn. Đặc biệt, các công đoàn ngành cần tham mưu với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thực hiện Luật Công đoàn và NĐ 191".

Việc còn nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa thực hiện trích nộp 2% kinh phí công đoàn không thể đổ lỗi cho sự hiểu biết về pháp luật của các chủ doanh nghiệp còn hạn chế mà đây chính là ý thức, trách nhiệm của họ với người lao động, với tổ chức công đoàn. Mong rằng các chủ doanh nghiệp hãy nghĩ đến trách nhiệm xã hội của mình!

 Thành Trung

 (Theo Báo Yên Bái điện tử)

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter