Thực hiện luật công đoàn năm 2012 để chăm lo tốt hơn cho người lao động


Ngày xuất bản: 17/12/2014 9:45:48 CH
Lượt đọc: 4752

            Nhằm sớm đưa Luật Công đoàn năm 2012 vào cuộc sống, ngày 21/11/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định 191 quy định chi tiết về tài chính công đoàn và ngày 27/02/2014 UBND tỉnh Yên Bái đã có văn bản số 261 yêu cầu tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh thực hiện việc đóng kinh phí công đoàn theo Luật công đoàn năm 2012. Đối với các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền sâu rộng tới người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai ở cơ sở bên cạnh những thuận lợi còn gặp không ít khó khăn trong công tác tài chính công đoàn căn cứ theo Luật Công đoàn năm 2012.

 Theo Luật Công đoàn năm 2012 trong công tác tài chính công đoàn có 2 điểm mới quan trọng. Điểm mới thứ nhất là:Trước đây Luật công đoàn quy định chỉ thu kinh phí công đoàn ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn thì nay Luật Công đoàn năm 2012 quy định thu kinh phí công đoàn ở tất cả các loại hình, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt có hay chưa có tổ chức công đoàn. Như vậy, đóng kinh phí công đoàn là trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức, doanh nghiệp bình đẳng như nhau. Điểm mới thứ hai là: Theo quy định trước năm 2013 thu 2% kinh phí công đoàn trên tổng quỹ tiền lương thực trả cho người lao động thì Luật Công đoàn năm 2012 quy định thu kinh phí công đoàn trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động. Do đó, số thu kinh phí công đoàn sẽ giảm đi đáng kể so với trước đây. 

            Xác định rõ ý nghĩa quan trọng của tài chính công đoàn như trong điều 27 Luật Công đoàn năm 2012 quy định: Tài chính công đoàn dùng để chi cho công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động; cho việc phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn, xây dựng công đoàn vững mạnh. Đặc biệt, tài chính công đoàn để tổ chức bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; Thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn; Trả lương cho cán bộ chuyên trách, phụ cấp cho cán bộ công đoàn không chuyên trách...Do đó, thời gian qua đã có nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện tốt theo Luật công đoàn năm 2012. Công ty Cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái là một ví dụ. Công ty hiện có 424 cán bộ, công nhân lao động. Những năm qua đơn vị luôn thực hiện tốt công tác đóng BHXH, BHYT và trích nộp kinh phí công đoàn lên cấp trên. Ông Vũ Văn Thục - Phó giám đốc Công ty Cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái cho biết: “Năm 2013, ngay sau khi có văn bản hướng dẫn về trích nộp kinh phí công đoàn của LĐLĐ tỉnh. Công ty chúng tôi đã thực hiện theo quy định của Luật công đoàn năm 2012. Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động, với tổng trích nộp là 386 triệu. Nguồn kinh phí này đã tạo điều kiện để tổ chức công đoàn trong đơn vị hoạt động, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, góp phần cho sự phát triển của Công ty”. 

Cùng với việc trích nộp đầy đủ kinh phí công đoàn, Công ty còn phối hợp với CĐCS trích nộp đoàn phí công đoàn theo quy định để chăm lo tốt hơn cho người lao động. Do đó, CNLĐ luôn yên tâm công tác gắn bó lâu dài với công ty, xây dựng công ty ngày một phát triển. Sở dĩ có được sự đồng thuận của Ban giám đốc Công ty cũng như đoàn viên công đoàn trong công tác tài chính công đoàn là do thời gian qua CĐCS Công ty đã tích cực tuyên truyền những điểm mới trong công tác tài chính công đoàn theo Luật Công đoàn năm 2012. Anh Nguyễn Đức Quang - PCT CĐCS Công ty Cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái cho biết thêm: “Công đoàn Công ty đã xây dựng kế hoạch triển khai quán triệt thực hiện Luật CĐ năm 2012 tới 100% công đoàn bộ phận. Tại các cuộc họp CĐ hàng tháng chúng tôi đã tuyên truyền sâu rộng đến CNLĐ. Vì vậy, đã nhận được sự đồng thuận nhất trí cao”.

Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị thực hiện tốt theo Luật Công đoàn năm 2012 thì với đặc thù là một tỉnh miền núi kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, các khu công nghiệp chưa phát triển, các doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và rất nhỏ nằm rải rác trên địa bàn toàn tỉnh; với 90% các tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn không làm dự toán với công đoàn cấp trên cơ sở nên việc khảo sát số lao động đóng BHXH để làm căn cứ đóng kinh phí công đoàn gặp khó khăn; việc tiếp cận tuyên truyền Luật công đoàn tới một số doanh nghiệp chưa được thuận lợi. Do đó, gặp khó khăn trong triển khai thu kinh phí CĐ.

LĐLĐ huyện Yên Bình được LĐLĐ tỉnh Yên Bái giao thực hiện thí điểm tự chủ trong công tác tài chính công đoàn năm 2014. Bám sát vào Luật công đoàn năm 2012,  Nghị định 191 ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn và văn bản số 261 ngày 27/02/2014 của UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh thực hiện việc đóng kinh phí công đoàn theo Luật công đoàn năm 2012, LĐLĐ huyện Yên Bình đã tích cực tuyên truyền sâu rộng tới các cấp Công đoàn, tới cán bộ, công nhân viên chức lao động để nhận thức rõ về quyền và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với công tác tài chính công đoàn. Song trong quá trình triển khai LĐLĐ huyện Yên Bình cũng còn gặp rất nhiều khó khăn. Ông Lê Văn Tĩnh – Chủ tịch LĐLĐ huyện Yên Bình nói: “Hiện nay, Yên Bình có trên 100 doanh nghiệp, hợp tác xã nhưng mới chỉ có 3 đơn vị có tổ chức công đoàn. Quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ, lao động, việc làm và thu nhập không ổn định. Thời gian qua chúng tôi đã tích cực tuyên truyền vận động nhưng người sử dụng lao động chưa ủng hộ cao với việc thành lập tổ chức CĐ nên việc thực hiện thu kinh phí CĐ theo Luật đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh gặp nhiều khó khăn”.

            Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không ổn định, lao động chủ yếu là lao động hợp đồng mùa vụ. Nhiều doanh nghiệp thiếu việc làm, sản xuất cầm trừng, thậm chí đang chờ giải thể. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp thực hiện đóng kinh phí công đoàn theo Luật công đoàn năm 2012 gặp rất nhiều khó khăn. Ông Lương Ngọc Chiểu - Chủ tịch CĐCS Hợp tác xã Chè Hương Lý cho biết: “Như đơn vị chúng tôi CNLĐ chỉ có khoảng 7 tháng có việc làm ổn định, thời gian còn lại không có nguyên liệu chè để sản xuất. 5 tháng này một số công nhân phải tự đi tìm việc làm. Như vậy, cá nhân người lao động tự nộp kinh phí CĐ trong 5 tháng này là rất khó khăn”.

            Trước những khó khăn gặp phải trong công tác tài chính công đoàn theo Luật công đoàn năm 2012 LĐLĐ tỉnh Yên Bái đã có những giải pháp thiết thực: Tổ chức hội nghị triển khai Luật CĐ, Nghị định 191 của Chính Phủ và công văn 261 của UBND tới các cấp công đoàn và tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Thí điểm phân cấp tài chính công đoàn năm 2014 cho các Công đoàn cấp trên cơ sở để các cấp công đoàn tuỳ theo tình hình cụ thể của địa phương để khai thác tốt nguồn thu cho tài chính CĐ. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai có hiệu quả. Cùng với đó, LĐLĐ tỉnh sẽ tổ chức gặp mặt các chủ doanh nghiệp, tạo dựng các phong trào văn hoá, văn nghệ để thu hút người lao động xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển.

            Theo Luật công đoàn năm 2012: đóng kinh phí công đoàn là trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức, doanh nghiệp bình đẳng như nhau, đồng thời góp phần thực hiện tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, góp phần xây dựng công ty, doanh nghiệp ngày một phát triển. Vì vậy, cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức và toàn thể cán bộ công nhân viên chức lao động trên địa bàn tỉnh Yên Bái. 

 

Chú thích ảnh: Cán bộ Ban tài chính LĐLĐ tỉnh hướng dẫn cơ sở thu KPCĐ theo Luật CĐ năm 2012

Bài, ảnh: Thanh Xuân (LĐLĐ tỉnh)

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter