Cán bộ công đoàn cơ sở là nhà giáo


Ngày xuất bản: 18/11/2019 9:54:00 SA
Lượt đọc: 31047


Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống tôn sư, trọng đạo. Nghĩa là tôn kính thầy cô giáo, những người đã có công khai tâm, mở trí cho mọi người. Nghề dạy học là một nghề cao quý, vì lối sống thanh bạch, giản dị, tâm hồn trong sáng của bản thân thầy, cô giáo. Mọi người tôn kính thầy cô giáo vì từ thầy, cô giáo mà hình thành được nhân cách, lối sống cho thế hệ trẻ, tạo nên tiền đề phát triển cho xã hội; như Comenxki đã khẳng định: “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học” và còn cao quý và vinh dự hơn khi cán bộ công đoàn là nhà giáo.
Cán bộ CĐCS là người được đoàn viên tín nhiệm bầu tại đại hội hoặc hội nghị CĐCS; mong muốn của đoàn viên khi bỏ lá phiếu là bầu được người có năng lực, uy tín, trình độ, có bản lĩnh và lòng nhiệt tình để ngoài việc tổ chức các hoạt động phong trào, còn là “thủ lĩnh” để đại diện, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho họ. Công đoàn cơ sở như chiếc cầu nối giữa Đảng với quần chúng, còn chính quyền cần đến công đoàn như người bạn đồng hành để cùng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, trường học.
Một thực tế hiện nay trong các cơ sở giáo dục cho thấy một số nhà giáo không muốn làm cán bộ CĐCS, bởi vì yêu cầu về chuyên môn ngày càng nhiều, áp lực về chất lượng giáo dục ngày càng lớn thì cán bộ CĐCS còn phải dành một thời gian khá lớn cho công tác công đoàn, cũng phải chịu áp lực từ công đoàn cấp trên, từ lãnh đạo đơn vị và từ đoàn viên công đoàn, trong khi quyền lợi của cán bộ CĐCS thì không đáng kể. Ấy vậy, mà vẫn có nhiều nhà giáo vẫn tâm huyết với chuyên môn, nhiệt tình, say mê với hoạt động công đoàn, ngày đêm trăn trở để cùng với Ban Chấp hành phối hợp với chính quyền và chuyên môn đồng cấp xây dựng tập thể sư phạm đoàn kết, thống nhất và phát triển.
Đến với Trường THPT Nghĩa Lộ trong ngày đầu tháng 11, vừa bước vào cổng trường tôi cảm nhận ngay không khí thi đua sôi nổi chào mừng kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11). Chào đón tôi với nụ cười rạng rỡ đó là thầy giáo Nguyễn Trọng Quân, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch công đoàn nhà trường. Với tính cách cởi mở, thầy dẫn tôi đi tham quan trường với rất nhiều công trình, phần việc và các hoạt động của tổ công đoàn, tổ chuyên môn trong đợt thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Thầy chia xẻ: “Để làm tốt cả nhiệm vụ chuyên môn và công đoàn, cán bộ CĐCS phải có lòng nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm và vào vai hợp lý. Nhưng dù vai công đoàn hay vai chuyên môn phải luôn giữ vững đạo đức của người thầy”. Qua trò chuyện thầy cho biết thêm, công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động tại cơ sở quan trọng lắm, nếu làm tốt công tác này thì nhiệm vụ khó khăn mấy cũng thành công. Chính vì vậy mà nhiều năm qua, tập thể Trường THPT Nghĩa Lộ luôn giữ vững mối đoàn kết, thống nhất cao, các phong trào thi đua, cuộc vận động đều được triển khai thực hiện hiệu quả, nhà trường nhiều năm đạt Tập thể lao động xuất sắc, CĐCS vững mạnh, được trao tặng nhiều danh hiệu cao qúy.
Thầy giáo Nguyễn Trọng Quân, Phó Hiệu Trưởng Trường THPT Nghĩa Lộ triển khai công tác chuyên môn
Với 18 năm công tác trong ngành giáo dục, chị Dương Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch CĐCS Trường THPT Chu Văn An, huyện Văn Yên đã có thâm niên 12 năm làm cán bộ công đoàn. Chị Thủy tâm sự: “Ngày mới nhận nhiệm vụ mình lo lắng lắm, làm cán bộ công đoàn là làm dâu trăm họ mà, nhưng quan trọng là mình làm bằng cái tâm của nhà giáo. Mặc dù vừa làm chuyên môn vừa làm công đoàn cũng vất vả lắm, nhưng mình thấy yêu công việc này, thấy vui vì vẫn được đồng nghiệp tín nhiệm làm cán bộ công đoàn, nhờ làm cán bộ công đoàn mà mình trưởng thành lên rất nhiều, hoạt động công đoàn là đòn seo thúc đẩy hoạt động chuyên môn, chuyên môn muốn thành công cần có công đoàn phối hợp”. Trong những năm qua, công đoàn nhà trường đã phối hợp với chính quyền và chuyên môn đồng cấp tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, định kỳ phối hợp tổ chức hội nghị CBCCVC hằng năm. Chính vì vậy mà quyền lợi của CBNGNLĐ được thực hiện đầy đủ, CBNGNLĐ tích cực hăng hái thi đua, xây dựng tập thể đoàn thể kết, thống nhất; trường liên tục đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, Tập thể lao động tiên tiến, CĐCS Vững mạnh; chị Thủy nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cấp cơ sở, được các cấp công đoàn tặng Bằng khen, Giấy khen, năm 2016 chị vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
CĐCS Trường THPT Chu Văn An phối hợp tổ chức Hội nghị CBCCVC năm học 2018 - 2019
Chức năng, nhiệm vụ của CĐCS mang tính khách quan, không phụ thuộc vào sự áp đặt từ bên ngoài hay ý chí, nguyện vọng chủ quan của mỗi đoàn viên, mà nó được xác định bởi vị trí và vai trò của tổ chức Công đoàn. Trên thực tế, chức năng, nhiệm vụ ấy cần được cụ thể hóa cho phù hợp với thực tiễn từng trường học, đó là lời khẳng định của thầy giáo trẻ Trần Văn Cảnh, Chủ tịch CĐCS Trường THPT Hồng Quang, huyện Lục Yên. Thầy Cảnh đã cùng Ban Chấp hành triển khai phong trào “Nhà giáo nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”; hiện nay trường có 35 nhà giáo nhận đỡ đầu 35 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ngoài ra còn hỗ trợ học sinh mắc bệnh hiểm nghèo,... mỗi năm học hỗ trợ trên 30 triệu đồng cho học sinh và giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thầy cũng tâm sự, nhà giáo làm cán bộ công đoàn để chăm lo nhà giáo, quan tâm đến học sinh, đồng thời cũng luôn phải soi mình, sửa mình để giữ vững đạo đức nhà giáo. Với sự nhiệt tình, tâm huyết và say mê của một thầy giáo trẻ, thầy Cảnh vinh dự là 1 trong 90 chủ tịch CĐCS tiêu biểu được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2019).  
Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái tuyên dương 90 Chủ tịch CĐCS  tiêu biểu.
Nhà giáo làm cán bộ công đoàn khó là thế, vất vả là thế nhưng Chủ tịch CĐCS trường THPT Trạm Tấu Hoàng Thị Ngân Hà khẳng định, đồng nghiệp còn tín nhiệm thì tôi vẫn muốn được làm cán bộ công đoàn. Nhờ có công đoàn mà đoàn viên và học sinh của nhà trường được quan tâm, chăm lo, bản thân tôi được rèn luyện và trưởng thành. Năm học 2018-2019, trường có 1 đoàn viên được hỗ trợ làm nhà Mái ấm công đoàn, 02 đoàn viên được thăm hỏi tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, 36 học sinh có hoàn cảnh khó khăn tham gia kỳ thi THPT Quốc gia năm học 2018-2019 với tổng số tiền gần 40 triệu đồng.
Tuy nhiên, trước sự tác động không nhỏ của nền kinh tế thị trường, đâu đó còn có thầy, cô giáo đã không giữ được cái tâm sáng, chưa hết lòng vì học trò, bị vật chất, môi trường tiêu cực cám dỗ, đã làm mai một đi hình ảnh người thầy đáng kính; còn có một bộ phận cán bộ CĐCS ngại khó, ngại khổ, ít tư duy do đó chưa làm trọn vai trò, trách nhiệm của cán bộ CĐCS, làm ảnh hưởng đến vị thế của tổ chức Công đoàn. Song đó chỉ là những cá nhân cá biệt, những “con sâu làm rầu nồi canh”; vì hàng ngày, hàng giờ đã và đang có biết bao nhà giáo miệt mài đèn sách, khắc phục mọi khó khăn để gieo cái chữ nơi vùng cao xa xôi để dạy dỗ và truyền lửa cho lớp lớp học sinh thân yêu, họ vẫn mãi là những người đưa đò cần mẫn, tận tâm, tận lực, xứng đáng được xã hội tôn vinh. Dù sự thế có xoay vần thế nào, nhà giáo vẫn luôn quan trọng và thiêng liêng.Sẽ không có một xã hội tốt, nếu như không có những người thầy tốt; sẽ không có phong trào công đoàn mạnh nếu không có cán bộ công đoàn tâm huyết. Thật vinh dự và tự hào khi cán bộ CĐCS là nhà giáo.  

Bài, ảnh: Huyền Thúy, Phó Chủ tịch CĐN Giáo dục tỉnh Yên Bái 

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter