Khó phát triển “mái ấm” công đoàn khu vực ngoài Nhà nước


Ngày xuất bản: 04/03/2015 8:51:28 SA
Lượt đọc: 1946

 YBĐT - Điều 20, Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XI quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở (CĐCS) trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước với những nội dung ưu việt xung quanh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho người lao động. Nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái đi vào hoạt động khá lâu vẫn chưa có tổ chức công đoàn. Cũng như các địa phương khác, huyện Yên Bình đang rất khó khăn trong phát triển tổ chức, đoàn viên ở khu vực này.

 

Công nhân Công ty TNHH Yên Phú trong dây chuyền sản xuất bao bì.

Điểm sáng

Trong khuôn viên tại tổ 14, thị trấn Yên Bình - nơi có nhà xưởng sản xuất, có căn nhà nhỏ vừa làm trụ sở Công ty vừa làm nơi sinh hoạt cho gia đình, ông Nguyễn Duy Vượng - Giám đốc Công ty TNHH Yên Phú cởi mở tiếp chúng tôi. Mặc dù là doanh nghiệp nhỏ, thời điểm này đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nhưng doanh nghiệp vẫn quan tâm tới các hoạt động của tổ chức công đoàn. Tổ chức công đoàn Công ty được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2003, hiện có 26 đoàn viên.

Từ đó đến nay, tổ chức công đoàn luôn đồng hành, chia sẻ cùng Ban Giám đốc công việc kinh doanh cũng như chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho người lao động (NLĐ); có nhiều văn bản cùng Ban Giám đốc kiến nghị với các cấp, các ngành về cơ chế quản lý, đề nghị Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện trợ giúp công nhân lao động nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn. Tới thăm xưởng sản xuất bao bì, trong tiếng máy ồn ã, bà Kiều Thị Hồng Thắm - Chủ tịch CĐCS Công ty vừa giới thiệu về dây chuyền sản xuất vừa chỉ cho tôi những tấm biển ghi rõ nội dung yêu cầu về an toàn lao động, về phòng chống cháy nổ, về quy trình kỹ thuật vận hành máy.

Theo bà Thắm, để NLĐ yên tâm làm việc, để môi trường lao động luôn bảo đảm an toàn, tổ chức công đoàn đã ký kết với Ban Giám đốc nội quy về an toàn lao động với 5 chương, 17 điều, trong đó lưu ý những điều khoản quy định về thời gian nghỉ ngơi, quy định làm thêm giờ, nghỉ chế độ thai sản... nhất là các điều khoản về an toàn vệ sinh lao động như: người lao động phải tuân thủ hướng dẫn, điều hành về an toàn của cán bộ an toàn lao động; khi làm việc, người lao động phải mang đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ lao động đã được doanh nghiệp trang bị…

Đặc biệt, Công đoàn đã ký kết thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động gồm 7 chương, 34 điều. Sau hơn 10 năm hoạt động, CĐCS Công ty TNHH Yên Phú như “cánh tay” nối dài của ban lãnh đạo trong chăm lo cho NLĐ. Năm 2014, Công ty là một trong những doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn thực hiện đóng kinh phí công đoàn theo Luật Công đoàn và Nghị định số 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Rời Công ty TNHH Yên Phú, chúng tôi tới thăm Hợp tác xã (HTX) Sản xuất chế biến chè Hương Lý. Với 30 lao động, trong đó có 25 đoàn viên công đoàn, thành lập từ năm 2004 đến nay, tổ chức công đoàn của HTX luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp công đoàn. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, tổ chức công đoàn đã hoạt động đúng quy chế với những quy định về trách nhiệm, quyền hạn của Ban chấp hành, của từng ủy viên Ban chấp hành và nhiệm vụ của từng đoàn viên.

Ông Lương Ngọc Chiểu - Giám đốc HTX cho biết: “Chúng tôi xác định, tổ chức công đoàn sẽ giúp HTX trong tuyên truyền, phổ biến, vận động NLĐ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nội quy, quy chế của đơn vị đồng thời tập hợp yêu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ; phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các phong trào thi đua, phát triển sản xuất, kinh doanh và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ; vận động NLĐ tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động xã hội, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống...”.

Anh Lê Văn Lượng - một lao động trong HTX cho biết: “Có tổ chức công đoàn, chúng tôi rất yên tâm bởi đây là tổ chức đại diện bảo vệ các chế độ, chính sách cho NLĐ. Tổ chức công đoàn có những quy định cụ thể khi NLĐ hoặc người thân của họ ốm đau. Ngoài ra, công đoàn cũng trích một phần kinh phí hỗ trợ đoàn viên, NLĐ khi đi thăm quan, du lịch”.

Khó phát triển

Nói về vai trò của tổ chức công đoàn, hầu hết người sử dụng lao động đều rõ và việc thành lập tổ chức công đoàn trong khu vực ngoài Nhà nước cũng có những quy định cụ thể. Ở Yên Bình, việc thành lập tổ chức công đoàn khu vực ngoài Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn. Có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế, xã hội, thực tế, Yên Bình đang phát huy tiềm năng trở thành địa phương có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp lớn của tỉnh. Theo thống kê, trên địa bàn huyện hiện có 112 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động nhưng chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp có trên 10 lao động đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn.

Năm 2015, LĐLĐ huyện Yên Bình tăng cường tuyên truyền, vận động phát triển CĐCS ngoài Nhà nước. Đặc biệt quan tâm tới hoạt động của Công ty Daesung Global là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục để đi vào hoạt động; hướng dẫn, giúp đỡ Công ty và công nhân lao động ký hợp đồng lao động; chuẩn bị các điều kiện, thủ tục kết nạp đoàn viên thành lập tổ chức công đoàn.

Tuy nhiên, từ năm 2003 đến nay, chỉ có 4 doanh nghiệp, HTX thành lập tổ chức công đoàn. Trong đó, có 1 doanh nghiệp mới thành lập CĐCS từ tháng 10/2014 là Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng giao thông với 17 đoàn viên. Nhìn chung, tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp đã hoạt động đúng pháp luật, Điều lệ Công đoàn Việt Nam nhưng theo đánh giá vẫn có CĐCS chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Có CĐCS chưa thực hiện đúng vai trò, chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng của NLĐ; chưa chủ động tổ chức phong trào hoạt động cho công nhân lao động; chưa thu hút, tập hợp được công nhân lao động.

Ông Lê Văn Tĩnh - Chủ tịch LĐLĐ huyện Yên Bình cho biết: “Mặc dù LĐLĐ huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, duy trì nguồn vốn trợ giúp các doanh nghiệp, thậm chí là cho doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn vay vốn, cử cán bộ xuống giúp các doanh nghiệp tổ chức các phong trào nhưng phát triển các CĐCS ở khu vực ngoài Nhà nước vẫn gặp rất nhiều khó khăn”.

Lý giải về điều này, ông Lê Văn Tĩnh cho rằng là do sản xuất công nghiệp ở địa phương chưa mạnh. Trên địa bàn có trên 100 doanh nghiệp được phép hoạt động nhưng quy mô sản xuất không lớn; số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn ít; nhiều cơ sở được thành lập trên cơ sở tổ chức gia đình, dòng họ. Do quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh nhỏ và lao động, việc làm không ổn định nên người sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp không mặn mà với việc thành lập tổ chức công đoàn. Một vấn đề nữa là trình độ dân trí của lao động thấp, không đồng đều, phần lớn là lao động làm việc theo thời vụ, thu nhập thấp nên rất khó để NLĐ hiểu và có nhận thức đúng đắn về lợi ích khi tham gia tổ chức công đoàn.

Để có “mái ấm” công đoàn

Tìm hiểu tại Công ty TNHH Yên Phú và HTX Sản xuất chế biến chè Hương Lý cho thấy, khi người sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp có nhận thức đúng đắn, có trách nhiệm với NLĐ, hiểu rõ vai trò của tổ chức công đoàn trong quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp bền vững thì họ sẽ thành lập tổ chức công đoàn. Do đó, trong công tác tuyên truyền, vận động thành lập các CĐCS khu vực ngoài Nhà nước cần khắc phục tình trạng “khoán trắng” cho cơ quan chuyên trách mà cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo điều hành của chính quyền; tăng cường thực hiện quy chế phối hợp công tác với chính quyền và các cơ quan chức năng ở địa phương; tiếp tục rà soát, nắm chắc tình hình doanh nghiệp và công nhân trong các loại hình doanh nghiệp để vận động chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động đồng ý thành lập tổ chức công đoàn. Thậm chí, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu nếu pháp luật cho phép có thể sử dụng biện pháp hành chính như khi làm thủ tục cấp giấy phép kinh doanh đối với các doanh nghiệp có trên 10 lao động có thể nên có thêm điều kiện về thành lập tổ chức công đoàn.

Cùng với đó, LĐLĐ huyện cần xây dựng các phong trào, hoạt động của công đoàn, tạo sân chơi thu hút người lao động, kể cả trong các doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn; tăng cường tiếp xúc, động viên, chia sẻ với những khó khăn và đồng hành với doanh nghiệp như: giúp các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao hoặc một số hoạt động khác; nâng cao chất lượng hoạt động của các CĐCS khu vực ngoài Nhà nước hiện có, giúp các CĐCS trong các doanh nghiệp này khẳng định rõ hơn vai trò của mình. Qua đó làm chuyển biến nhận thức của chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động về vai trò của “mái ấm” công đoàn trong doanh nghiệp. 

 Thành Trung

(Theo Báo Yên Bái điện tử)

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter