Liên đoàn Lao động tỉnh tập trung vào 04 nhóm giải pháp để thực hiện công tác giáo dục, tuyên truyền đoàn viên, CNLĐ thuộc khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước trong tình hình mới


Ngày xuất bản: 13/08/2021 1:50:00 CH
Lượt đọc: 5894

 Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục luôn giữ một vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cao cho đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) nói chung, công nhân lao động (CNLĐ) khu vực ngoài Nhà nước nói riêng. Do đó, thời gian qua, Ban chấp hành Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn đổi mời nộng dung hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp với từng cơ sở như: hội nghị, hội thi; phát hành pa nô, tờ rơi, tập gấp, sổ tay, băng đĩa hình…; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên chuyên trang, chuyên mục “Lao động và Công đoàn” trên Báo Yên Bái và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; trên Trang thông tin điện tử Liên đoàn Lao động tỉnh, trên nhóm Zalo, Facebook của Công đoàn giúp CNLĐ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các thông tin; các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các nội dung sát với nhu cầu của đoàn viên, người lao động như: Chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính Trị, Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; Bộ Luật Lao động 2019; Luật Công đoàn; Luật An toàn vệ sinh lao động; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật phòng chống ma túy; Luật an toàn giao thông; Luật Hôn nhân gia đình … Với sự nỗ lực đổi mới nội dung và cách thức tuyên truyền của các cấp công đoàn thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức chính trị, kiến thức pháp luật, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của CNVCLĐ nói chung và CNLĐ khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước nói riêng.

 

Hằng năm Liên đoàn Lao động tỉnh đều phối hợp tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho công nhân lao động

Tuy nhiên, phạm vi, đối tượng tuyên truyền chủ yếu được thực hiện trong các doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn; thời lượng mỗi buổi phổ biến, tuyên truyền thường ngắn; nội dung tuyên truyền chưa sâu, chưa toàn diện chủ yếu giới thiệu các điểm mới trong các quy định pháp luật; phương pháp tuyên truyền tuy đã có đổi mới nhưng vẫn thiếu sức cuốn hút, thiếu sự tương tác giữa các tuyên truyền viên, báo cáo viên với CNLĐ; sự phối hợp giữa tuyên truyền, giáo dục với việc triển khai các nhiệm vụ khác của tổ chức công đoàn còn hạn chế. Ít có các hoạt động tuyên truyền pháp luật cho CNLĐ trong các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn.

Nhằm từng bước nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục trong công nhân lao động khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước trong tình hình mới, tại Hội nghị lần thứ 11, Ban chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh khóa XIX  đã thông qua Nghị quyết số 03/NQ-LĐLĐ ngày 20/7/2021, với các chỉ tiêu cụ thể: Mỗi năm, CĐCS khu vực doanh nghệp ngoài nhà nước tổ chức ít nhất 01 hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho CNLĐ trong đơn vị.

Hàng năm, có 70% CNLĐ trong các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, 25% CNLĐ trong các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn được tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Công đoàn; được giáo dục chính trị tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Mỗi năm, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức ít nhất một hoạt động (hội nghị tuyên truyền hoặc hội thi tìm hiểu pháp luật, giao lưu tọa đàm, đối thoại, diễn đàn, tư vấn pháp luật tập trung …) để tuyên truyền, giáo dục cho CNLĐ trong các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn; chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ mỗi CĐCS trong doanh nghiệp tổ chức ít nhất một hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, người lao động.

 Phấn đấu mỗi năm, có trên 30% bản Thỏa ước lao động tập thể được ký mới, hoặc sửa đổi bổ sung có điều khoản quy định cụ thể trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc tạo điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất để tổ chức hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho CNLĐ tại doanh nghiệp ngoài nhà nước.  

Đến năm 2025, phấn đấu 80% trở lên số doanh nghiệp đã thành lập công đoàn và 35% doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn có quy mô từ 20 lao động trở lên thành lập Tổ tư vấn pháp luật, phân công cán bộ thực hiện công tác tư vấn pháp luật; hoặc được trang bị “Tủ sách pháp luật”, “Giỏ sách pháp luật”, hoặc có hệ thống phát thanh nội bộ, hoặc lập nhóm Zalo có 100% CNLĐ trong đơn vị tham gia để thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục.

 

Các cấp công đoàn trong tỉnh thường xuyên phối hợp tuyên truyền, giáo giục cho đoàn viên, CNVCLĐ

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Ban chấp hành LĐLĐ tỉnh đề ra 04 nhóm giải pháp sau:

Một là: Nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp công đoàn trong công tác tuyên truyền, giáo dục trong CNLĐ

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, kiến thức pháp luật, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, việc chuyển đổi nghề và ngoại ngữ cho đoàn viên, người lao động. Đa dạng hoá các hình thức, biện pháp tuyên truyền, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục theo hướng sát cơ sở; lấy đoàn viên, người lao động là đối tượng triển khai.

Tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động có trách nhiệm tạo điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất cùng với tổ chức công đoàn thực hiện công tác phổ biến, giáo dục cho CNLĐ và thực hiện đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ.

Xây dựng mô hình điểm, nhân rộng và khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác tuyên truyền, giáo dục cho CNLĐ.

Hai là: Đổi mới và đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục trong CNLĐ

Gắn công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, người lao động với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, đồng thời với việc phát động, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước.

Nội dung tuyên truyền, giáo dục phải cập nhật kịp thời các quy định mới, trọng tâm liên quan trực tiếp đến chế độ chính sách, môi trường, điều kiện làm việc … của CNLĐ: Tập trung tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động”; Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; Chỉ thị số 16-CT/TU của Tỉnh ủy Yên Bái về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phát triển công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong tình hình mới”; Nghị quyết số 40-NQ/TU ngày 24/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025.

Tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương và địa phương; phản ánh các hoạt tuyên truyền, giáo dục của các cấp công đoàn; phát hiện kịp thời và định hướng dư luận; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; phê phán những hành vi vi phạm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động.

Phối hợp với các ngành chức năng, các cơ quan liên quan biên soạn tài liệu tuyên truyền, giáo dục với nội dung, hình thức phù hợp với trình độ, điều kiện sống, điều kiện làm việc của CNLĐ.

Tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động về trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục cho CNLĐ; đưa nội dung này vào Thỏa ước lao động tập thể.

 

Liên đoàn Lao động tỉnh thờng xuyên phối hợp tuyên truyền về công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội cho công nhân lao động

Ba là: Bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác tuyên truyền, giáo dục; chú trọng xây dựng, phát huy hiệu quả đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật tại các doanh nghiệp: 

- Củng cố, xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách làm công tác tuyên truyền, giáo dục theo hướng chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền. Hướng đến cụ thể hóa mục tiêu mỗi cán bộ công đoàn chuyên trách là một tuyên truyền viên pháp luật; phân công phụ trách một doanh nghiệp hoặc một nhóm doanh nghiệp.

- Nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trong hệ thống công đoàn. Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Văn phòng tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh, Tổ tư vấn pháp luật tại cơ sở.

Bốn là: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền đồng cấp trong công tác tuyên truyền, giáo dục cho CNLĐ khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước: 

Các cấp công đoàn chủ động tham mưu cho cấp ủy cùng cấp trong việc lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng các nghị quyết, chỉ thị, kết luận chuyên đề.

Chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch phối hợp với chính quyền đồng cấp, Ban quản lý các khu, cụm công nghiệp, lãnh đạo các doanh nghiệp trong việc thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị, hiểu biết pháp luật cho CNLĐ. 

Thanh Xuân - Lê Nhiên

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter