Cấm Doanh nghiệp giữ văn bằng gốc của người lao động


Ngày xuất bản: 02/08/2016 8:47:41 SA
Lượt đọc: 4155

 Pháp luật cấm người sử dụng lao động thu giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng tốt nghiệp chuyên môn... của NLĐ khi tuyển dụng.

Cuối tháng 7 vừa qua, với sự giúp sức của các PV Báo Lao Động, 4 công nhân quê gốc Quảng Trị đã trốn thoát khỏi chế độ làm việc hà khắc của một công ty (Cty) tại Lâm Đồng. Nghe theo lời quảng cáo trên tờ rơi, bốn thanh niên từ Quảng Trị đã đến Lâm Đồng để làm vườn. Trước khi nhận việc, 4 thanh niên này bị yêu cầu nộp toàn bộ giấy tờ tuỳ thân cho chủ. Do chế độ tiền lương không như giao kết và điều kiện làm việc quá hà khắc, họ đã bỏ trốn và được các cơ quan chức năng hỗ trợ đưa về quê nhà. Số giấy tờ tuỳ thân đều bỏ lại nơi làm việc.

 

Cách đây không lâu, chị Dương Thị Nh.H một cử nhân quê ở Đắc Lắc và nhiều nhân viên của một Cty dịch vụ cung cấp hệ thống bảo vệ tại Đà Nẵng cũng đã tìm đến báo Lao Động nhờ can thiệp để nhận lại bằng tốt nghiệp đại học, giấy tờ tuỳ thân do bị giám đốc (GĐ) Cty thu giữ, khi được nhận vào làm việc… Những trường hợp được liệt kê trên cho thấy, hiện nay hiện tượng NLĐ bị buộc nộp các loại giấy tờ tuỳ thân, văn bằng tốt nghiệp, chuyên môn… khi nhận việc tại một đơn vị nào đó đang trở nên phổ biến. Ông Nguyễn Trọng T - Giám đốc một Cty cung ứng dịch vụ bảo vệ Đà Nẵng phân trần: “Làm vậy để nhằm phòng ngừa việc nhân viên biển thủ tiền, hàng của Cty trong quá trình giao dịch với khách hàng”. Biện pháp này dễ hiểu về mặt động cơ - NSDLĐ muốn “nắm dao đằng chuôi”. Tuy vậy đó là hành vi trái pháp luật. Khoản 1, Điều 20, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định NSDLĐ không được “giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động”. Như vậy khi ký hợp đồng lao động tại bất kỳ cơ quan, đơn vị… nào, bản thân NLĐ có quyền từ chối yêu cầu giao nộp bản chính các loại giấy tờ tuỳ thân, chứng chỉ văn bằng, bao gồm cả trường hợp các giấy tờ, văn bằng này phát sinh trong quá trình người lao động làm việc được Cty cử đi đào tạo và chi trả toàn bộ chi phí.

Hành vi giữ giấy tờ trên sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 2, Điều 5, Nghị định 95/2013/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội… Cụ thể: “Phạt tiền từ 20.000.000 - 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: a/ Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

Trong trường hợp, Cty không trả lại văn bằng gốc, NLĐ làm đơn khiếu nại gửi đến GĐ Cty; nếu không được giải quyết, có thể nộp đơn tới phòng lao động thương binh xã hội địa phương để yêu cầu hỗ trợ thu hồi lại giấy tờ. Trường hợp xấu nhất, nếu không đạt được thoả thuận, NLĐ có thể nộp đơn khởi kiện tới tòa án ND cấp huyện, thị xã nơi Cty đó có trụ sở để yêu cầu được giải quyết quyền lợi.

Báo Lao động

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter