HỘI NGHỊ LẦN THỨ TÁM BCH TỔNG LĐLĐVN KHÓA XI:Tăng cường bảo vệ công nhân, giảm thiểu tranh chấp lao động


Ngày xuất bản: 18/07/2016 2:56:50 SA
Lượt đọc: 3622

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường (đứng giữa) trao đổi với các đại biểu trong giờ giải lao.

Trong ngày làm việc thứ hai, Hội nghị lần thứ tám BCH Tổng LĐLĐVN đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề lớn nhằm thúc đẩy phong trào công nhân (CN) và hoạt động CĐ trong thời gian tới. Đặc biệt, các đại biểu đã nêu nhiều thực trạng, giải pháp đẩy mạnh việc chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động (NLĐ) và giảm thiểu đình công, ngừng việc tập thể.

Xây dựng các thiết chế phục vụ người lao động

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường (Tổ thảo luận số 1) cho rằng, Đề án Đổi mới nội dung và hoạt động CĐ sẽ báo cáo Bộ Chính trị và Ban Bí thư, là nội dung rất quan trọng đối với hội nghị, do vậy các đại biểu cần tập trung thảo luận... Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch CĐ KCN Biên Hòa, Đồng Nai, Tổ thảo luận số 3 - đề nghị ngoài những thách thức từ bên ngoài đã có kịch bản ứng phó, đề án cần đưa thêm những khó khăn nội tại mang tính chủ quan và giải pháp khắc phục, như vấn đề năng lực cán bộ CĐ một số nơi.... Về mục tiêu CĐ đảm bảo lợi ích NLĐ, hiện đã có chủ trương xây dựng thiết chế phục vụ CN tại các KCN và KCX, nhưng còn nhiều vướng mắc, trong đó Luật Đất đai quy định phải xây dựng bên ngoài hàng rào KCN. Vì vậy kiến nghị Nhà nước có biện pháp tháo gỡ, dành quỹ đất nhất định khi xây dựng các KCN, đồng thời quan tâm đến chất lượng các dịch vụ của thiết chế như siêu thị, nhà trẻ… Còn ông Đinh Quốc Toản - Chủ tịch CĐ các KCN và CX Hà Nội - phát biểu: “Người sử dụng lao động ngày càng bóc lột CN bằng những hình thức tinh vi hơn, không thô lỗ nhưng nguy hiểm. Sắp tới sửa đổi pháp luật cho phù hợp với TPP, Nhà nước nên tổ chức lấy ý kiến CNLĐ một cách rộng rãi, vừa bảo vệ được tổ chức CĐ, vừa đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của CNLĐ”.

Cũng trong ngày làm việc thứ hai, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến thảo luận tình hình thực hiện Nghị quyết về bữa ăn ca cho CN của Tổng LĐLĐVN. Ông Trương Văn Hiền - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang - nêu thực tế: “DN thường thuê chỗ khác nấu ăn nên không kiểm soát được chất lượng, VSATTP, dẫn tới việc CN đình công phản đối hoặc CĐ đứng ra khởi kiện. Do vậy họ đề nghị phát tiền cho CN để tránh phiền phức, tôi nghĩ chúng ta nên suy nghĩ vấn đề này, hoặc đề nghị Chính phủ có quy định cụ thể”. Cũng liên quan đến nội dung này, ông Trần Duy Phương - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Tổng Biên tập Báo Lao Động - đề nghị cần phải rà soát lại các biện pháp thực hiện, đồng thời có chế tài xử lý đối với các LĐLĐ địa phương không triển khai.

Giảm thiểu ngừng việc tập thể

Hội nghị lần thứ tám BCH Tổng LĐLĐVN dành khá nhiều thời gian thảo luận Tờ trình về định hướng sửa đổi Điều lệ CĐVN, Chương trình Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT)… Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch CĐ KCN Biên Hòa, Đồng Nai - đề nghị có quy định tỉ lệ CNLĐ được tham gia BCH, Ban Thường vụ CĐ là bao nhiêu. “Chúng ta chỉ nghiên cứu, thâm nhập thực tế rồi đưa ra chính sách nên rất cần tiếng nói trực tiếp của CNLĐ. Điều này cần thiết hơn khi số lượng DNNN giảm xuống, các Cty cổ phần mà thực chất là tư nhân ngày càng chiếm đa số” - ông Thắng nói. Để nâng cao chất lượng TƯLĐTT, nhiều đại biểu cho rằng cần tăng cường đối thoại tại DN. “CĐ cấp trên cơ sở cần hướng dẫn, hỗ trợ CĐCS đối thoại với DN. Ngoài hội nghị NLĐ hằng năm, cần tổ chức hội nghị bất thường để giải quyết những vấn đề phát sinh...

Tranh chấp lao động là vấn đề nhận được nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu tại hội nghị. Ông Mai Thành Phương - Chủ tịch CĐ Đường sắt VN - nêu kinh nghiệm: “Chúng tôi lấy phòng ngừa là chính, chứ để xảy ra CĐ mới vào cuộc thì quá muộn, mà thiệt thòi luôn thuộc về NLĐ. Nếu CĐ chủ động nắm tình hình, sớm vào cuộc, có xảy ra đình công thì hậu quả cũng thấp. Nhờ phòng ngừa tốt mà 6 tháng đầu năm 2016, ngành đường sắt không có tranh chấp lao động, dù nhiều DN đã cổ phần hóa rồi”. Còn Chủ tịch CĐ các KCN và CX Hà Nội Đinh Quốc Toản cho biết, trước đây mỗi năm Hà Nội có khoảng 50 cuộc đình công, ngừng việc tập thể, giờ chỉ còn vài ba cuộc. Đó là nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Ông Toản phân tích: “Trước đây chúng ta chỉ tập trung truyên truyền cho cán bộ CĐCS và NLĐ mà quên mất người sử dụng lao động, cán bộ nhân sự, giám đốc nhân sự của DN. Vì thế chúng tôi đã tham mưu cấp trên hướng công tác tuyên truyền đầy đủ, kịp thời đến cả ba đối tượng này nên tình hình chuyển biến hẳn”.

Trang bị kiến thức pháp luật cho cán bộ CĐCS

Tham gia ý kiến vào Đề án Đổi mới tổ chức và hoạt động CĐVN trong tình hình mới, nhiều đại biểu cho rằng, cần chú trọng tới kiến thức pháp luật của cán bộ CĐCS. Nếu không nắm chắc pháp luật thì làm sao thương lượng, đấu tranh, có ký được TƯLĐTT thì chất lượng cũng không cao”. Ông Châu Văn Thắng (Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng nhấn mạnh sự cần thiết trang bị kiến thức pháp luật cho cán bộ CĐCS, vì sắp tới CĐ khởi kiện các DN nợ BHXH của người lao động, cán bộ CĐCS phải có khả năng tranh tụng tại tòa án.

 

Theo Báo Lao động 

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter