Hỗ trợ pháp lý cho lao động nữ nhập cư


Ngày xuất bản: 11/07/2016 3:41:45 SA
Lượt đọc: 4509

 

Nữ công nhân ngành may trong các KCN tỉnh Đồng Nai hầu hết là lao động nhập cư.

Cuộc sống của lao động nữ di cư từ nông thôn lên thành thị và khu công nghiệp vốn rất khó khăn. Nay lại thiếu thông tin, áp lực mất việc khiến họ chỉ có mối quan tâm duy nhất là đồng lương thu nhập hằng tháng và đành “bỏ qua” quyền lợi về mặt pháp lý, lẽ ra được hưởng. Giải quyết vấn đề này, nhiều LĐLĐ tỉnh đã chủ động tìm công nhân (CN) nòng cốt, đào tạo họ về kiến thức pháp luật, kỹ năng truyền đạt để tư vấn cho lao động nhập cư, giúp họ bảo vệ quyền lợi của mình.

Chấp nhận sự thiệt thòi

Chị Phạm Thị H (Hải Dương) cho biết: Sau gần 8 năm làm ở Cty Đ.T, chị đã phải xin chấm dứt hợp đồng vì đường từ nhà đến chỗ làm quá xa (gần 20km), lại liên tục phải làm thêm giờ, tăng ca, do vậy chị không đủ sức để theo đuổi. Nhưng từ khi nghỉ làm từ giữa năm 2014, sau rất nhiều lần đi, lại, Cty vẫn không trả cho chị sổ BHXH và chị cũng không biết phải “kêu cứu” ở đâu. Rất may, trong một lần nói chuyện với người họ hàng, người này đã gợi ý cho chị tìm đến Trung tâm Tư vấn pháp luật (TVPL) của LĐLĐ tỉnh. Tuy nhiên, khi đến đó, chị mới lại biết thêm rằng, ngoài việc đòi sổ BHXH, chị còn có quyền đòi trợ cấp thất nghiệp. Vậy là sau khi làm theo hướng dẫn của tư vấn viên, chỉ một thời gian sau, chị H nhận được khoản trợ cấp thất nghiệp của mình (gần 12 triệu đồng). Nhưng sổ BHXH thì phải đến gần đây chị mới nhận được. “Chắc chắn, rất nhiều người nghỉ việc như tôi không hề biết đến những quyền lợi thiết thân của mình như vậy và chỉ nghĩ lấy lại được sổ BHXH đã là tốt rồi” - chị H bổ sung.

Vấn đề của chị N.T.N - CN tại một DN trong KCN Bắc Thăng Long - lại là những khó khăn trong cuộc sống. Trước đây, khi chưa có gia đình, một mình chị ở trọ không sao. Khi có con, còn nhỏ thì chị gửi về quê để ông bà trông giúp. Giờ con đến tuổi đi học, chị muốn ở gần con để còn trông nom việc học hành. Thế nhưng cả gia đình không thể ở trong một phòng trọ chật ních và tạm bợ như trước được. Nghe nói có khu nhà cao tầng cho CN thuê. Mấy lần chị làm đơn, nhưng không có phản hồi, cũng chả biết hỏi ai, thế là đành buông xuôi... Chị N cho biết: “Có người mách nước, muốn vào ở trong khu nhà ấy, cũng phải có “tiêu chuẩn” này, nọ... nhưng tôi không có điều kiện, mà cũng chả muốn tìm hiểu nữa. Hằng ngày đi làm đã quá mệt mỏi, làm gì có thời gian mà đi tìm hiểu “đường đi, nước bước”. Đành kệ vậy thôi, chịu được đến bao giờ thì chịu. Khó quá thì đành trở lại quê, rau cháo nuôi nhau...”.

Trường hợp như của chị H, chị N kể trên khá phổ biến trong nữ LĐ nhập cư. Thế nhưng, những LĐ yếu thế nhất, nghèo nhất, đặc biệt là LĐ nữ nhập cư lại không hoặc hiếm khi tìm đến các trung tâm TVPL, do thiếu kiến thức hoặc do sợ. Vì thế, họ thường có xu hướng chấp nhận sự thiệt thòi về mình - như một lẽ đương nhiên.

Giúp lao động nhập cư chủ động hơn

Phần lớn nữ LĐ nhập cư ở độ tuổi từ 20-30 và ít được tiếp cận các thông tin về quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật và là đối tượng dễ bị tổn thương, bởi điều họ lo sợ nhất là mất việc. Ông Vũ Ngọc Hà - GĐ Trung tâm TVPL LĐLĐ tỉnh Đồng Nai - cho biết: Phần lớn NLĐ chỉ chú tâm vào việc đi làm, nếu có vấn đề gì thắc mắc cũng ngại tìm đến trung tâm để được tư vấn. Chính vì thế, thay vì đợi CN đến với trung tâm, trung tâm đã cử người xuống các khu nhà trọ tìm CN nòng cốt, đào tạo họ về kiến thức pháp luật, kỹ năng truyền đạt. Sau 5 năm thực hiện dự án “Hỗ trợ pháp lý cho CNLĐ nhập cư” theo mô hình này, Đồng Nai đã tổ chức được 115 điểm TVPL lưu động; đào tạo được 677 CN nòng cốt có kiến thức pháp luật, có kỹ năng tuyên truyền, kỹ năng tư vấn, kiến thức sống, có thể tư vấn, hướng dẫn cho NLĐ tại khu nhà trọ và Cty. Đây là lực lượng đóng góp quan trọng vào hoạt động của Trung tâm TVPL LĐLĐ tỉnh. Còn theo ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch CĐ các KCN Hà Nội - với đặc thù CNLĐ chủ yếu làm ca, kíp, thời gian không có nhiều, tổ TVPL CĐ và mạng lưới tư vấn viên đã có nhiều hình thức tuyên truyền như tuyên truyền tại KCN, tại các DN, điểm sinh hoạt văn hóa, khu nhà ở, nhà trọ CNLĐ; tư vấn qua điện thoại, hộp thư điện tử...

Bà Patricia Huyghebaert - cán bộ phụ trách chương trình, GRET Pháp (Tổ chức Nghề nghiệp đoàn kết và Hợp tác quốc tế Pháp) - cho rằng, các hoạt động TVPL phải hướng tới việc giúp cho NLĐ thay đổi thái độ từ thụ động sang chủ động hơn về các vấn đề liên quan đến quyền của mình: Người có nhu cầu sẽ tự tin vì nhận thức được quyền của mình, học được cách tìm hiểu luật pháp, áp dụng vào công việc hằng ngày và sử dụng luật pháp để bảo vệ quyền lợi cho bản thân. 

- Hiện nay, tổ chức CĐ có 19 trung tâm TVPL, 42 văn phòng và 15 tổ TVPL ở 63 tỉnh, TP.

- Từ năm 2013 đến nay, các trung tâm, văn phòng và các tổ đã tư vấn trên 290.000 vụ việc với tổng số gần 700.000 người.

 

(Báo Lao động)

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter