Hướng dẫn tổ chức và hoạt động tư vấn pháp luật của công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở


Ngày xuất bản: 06/01/2016 1:09:12 SA
Lượt đọc: 5544

 

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG

VIỆT NAM

LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH

YÊN BÁI

 
 

 


Số: 16/HD-LĐLĐ

  

 CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 
 

 

 


Yên Bái, ngày 30 tháng 7  năm 2014

 

 

 HƯỚNG DẪN

 Tổ chức và hoạt động tư vấn pháp luật của công đoàn cơ sở

và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở  

 

- Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TLĐ, ngày 06/6/2014 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc củng cố, phát triển tổ chức và hoạt động tư vấn pháp luật của công đoàn; Quyết định số 655/QĐ-TLĐ, ngày 06/6/2014 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc ban hành Quy định về tổ chức và hoạt động tư vấn pháp luật của công đoàn;

          - Căn cứ vào số lượng đoàn viên,công nhân, viên chức, người lao động (CNVCLĐ) và tổ chức công đoàn cơ sở (CĐCS) trong hệ thống tổ chức công đoàn tỉnh; tổ chức và hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh hướng dẫn công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và các CĐCS về tổ chức và hoạt động tư vấn pháp luật của công đoàn như sau:

            1. Căn cứ vào nhu cầu, điều kiện cụ thể của địa phương, ngành, cơ sở, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở quyết định thành lập Tổ tư vấn pháp luật của công đoàn cấp mình (từ 03 người trở lên); bao gồm Tổ trưởng và các thành viên là cán bộ hoạt động kiêm nhiệm của cấp Công đoàn ra quyết định thành lập; chịu sự điều hành, chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ, cấp Công đoàn ra quyết định thành lập. Chỉ đạo các công đoàn cơ sở trực thuộc: Lựa chọn, phân công cán bộ thực hiện công tác tư vấn pháp luật (từ 01người trở lên) tại đơn vị, cơ sở mình, cần ưu tiên dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động tư vấn pháp luật theo chỉ đạo cụ thể của Công đoàn cấp trên trực tiếp.

             2. Chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động tư vấn pháp luật Công đoàn, nhằm bảo đảm và hỗ trợ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đoàn viên công đoàn, người lao động và các đối tượng khác.

3. Về tiêu chuẩn thành viên của  tổ chức tư vấn pháp luật Công đoàn: Tuỳ theo tình hình thực tế của từng đơn vị, cơ sở để bố trí các thành viên cho phù hợp theo tiêu chuẩn sau:  

- Cán bộ tư vấn pháp luật là những tư vấn viên pháp luật được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước công nhận, cấp thẻ tư vấn viên pháp luật theo quy định của Nghị định 77/2008/NĐ-CP và cán bộ làm công tác pháp luật của công đoàn, được công đoàn cấp đó phân công làm công tác tư vấn pháp luật;

- Tư vấn viên pháp luật là người có đủ điều kiện, được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước công nhận, cấp thẻ Tư vấn viên pháp luật theo quy định tại Nghị định 77/2008/NĐ-CP, được Công đoàn phân công hoặc hợp đồng làm công tác tư vấn pháp luật của Công đoàn;

- Cộng tác viên tư vấn viên pháp luật là người có trình độ, kiến thức, kinh nghiệm công tác pháp luật, hoạt động công đoàn; được các Trung tâm, Văn phòng, Tổ tư vấn pháp luật của Công đoàn cộng tác thường xuyên trong quá trình tổ chức hoạt động tư vấn.

4. Tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật cho đoàn viên công đoàn và người lao động là quyền và trách nhiệm của các cấp công đoàn. Khi đoàn viên công đoàn yêu cầu hoặc người lao động đề nghị tư vấn về pháp luật lao động và công đoàn, Công đoàn nơi tiếp nhận phải có trách nhiệm xem xét, đáp ứng yêu cầu và đề nghị của đoàn viên, người lao động.

5. Nội dung hoạt động tư vấn pháp luật của Công đoàn tập trung vào lĩnh vực pháp luật lao động và công đoàn; bao gồm:

-  Hướng dẫn, giải đáp pháp luật;

-  Cung cấp ý kiến pháp lý;

-  Tư vấn, soạn thảo đơn, hợp đồng và các giấy tờ khác;

-  Cung cấp văn bản pháp luật, thông tin pháp lý;

-  Kiến nghị giải quyết yêu cầu, đề nghị của người được tư vấn pháp luật;

-  Đại diện cho người được tư vấn thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật;

-  Các hoạt động khác liên quan đến trợ giúp pháp lý phù hợp với quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

6. Hoạt động tư vấn pháp luật của Công đoàn được thực hiện thông qua các hình thức, phương pháp: Trực tiếp; bằng văn bản; điện thoại, email, website; các phương tiện thông tin đại chúng; các hình thức, phương pháp khác.

7. Quy trình tư vấn pháp luật:

7.1. Tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra các giấy tờ liên quan đến điều kiện và nội dung yêu cầu tư vấn. Trường hợp xét thấy nội dung yêu cầu tư vấn đơn giản, cụ thể, rõ ràng, có thể tiến hành tư vấn ngay cho đối tượng được tư vấn.

7.2. Hướng dẫn, yêu cầu đối tượng được tư vấn bổ sung hồ sơ đề nghị tư vấn còn thiếu các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ có liên quan.

7.3. Viết giấy biên nhận hồ sơ nếu đối tượng được tư vấn có yêu cầu, viết phiếu hẹn trả lời kết quả tư vấn.

7.4. Phân loại vụ việc tư vấn theo nội dung yêu cầu tư vấn để xác định hình thức, phương pháp tư vấn phù hợp.

7.5. Thu thập, nghiên cứu các văn bản, tài liệu có liên quan đến vụ việc tư vấn. Trường hợp cần thiết có thể xác minh hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan cung cấp thông tin về những vấn đề có liên quan đến nội dung tư vấn.

7.6. Xây dựng nội dung, lựa chọn hình thức và phương pháp tư vấn để chuẩn bị trả lời đối tượng yêu cầu tư vấn.

7.7. Trả lời yêu cầu tư vấn theo phiếu hẹn đối tượng, thông qua các hình thức quy định tại mục 6 của Quy định này. Trong trường hợp cần thiết, có thể trực tiếp hoặc đề nghị Công đoàn cấp mình kiến nghị các cơ quan, đơn vị, cá nhân hữu quan giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng được tư vấn.

7.8. Tổ chức, cá nhân thực hiện tư vấn pháp luật có trách nhiệm lập sổ theo dõi kết quả tư vấn để tổng hợp, đánh giá, rút kinh nghiệm. Các vụ việc tư vấn được đánh số, sắp xếp theo thứ tự thời gian và theo lĩnh vực tư vấn. Hồ sơ tư vấn được lưu trữ theo quy định của pháp luật; những trường hợp cần thiết, được lưu lại phục vụ cho công tác nghiên cứu hoặc làm tài liệu tham khảo.

8. Tổ chức, cá nhân làm công tác tư vấn pháp luật của công đoàn được cấp công đoàn ra quyết định thành lập bảo đảm và tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm, trụ sở, phương tiện làm việc và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cho hoạt động tư vấn; bảo đảm tài chính hoạt động thường xuyên và được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của Công đoàn cấp đó, bao gồm chi phí hành chính, chi hoạt động thường xuyên; chi trả tiền lương, phụ cấp lương, khen thưởng; chi phí hỗ trợ tư vấn, hỗ trợ pháp lý theo vụ việc và các chi phí cần thiết, hợp lý khác; được tiếp nhận, sử dụng tài trợ của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn

9.  Quyền và trách nhiệm của đối tượng được tư vấn pháp luật:

            a) Quyền hạn:

            - Được tư vấn pháp luật theo quy định của Tổng Liên đoàn; tự mình hoặc ủy quyền cho người khác đề nghị tư vấn pháp luật;

            -  Được giữ bí mật về nội dung tư vấn pháp luật khi có yêu cầu và được thông báo về kết quả tư vấn;

            -  Được khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật đối với các hành vi gây phiền hà, cản trở hoặc hành vi vi phạm khác của người thực hiện tư vấn.

            b) Trách nhiệm:

            -  Xuất trình thẻ đoàn viên công đoàn hoặc giấy tờ xác nhận khác thuộc đối tượng được tư vấn pháp luật của Công đoàn;

            -  Cung cấp đầy đủ, trung thực những thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung yêu cầu tư vấn pháp luật và chịu trách nhiệm về tính xác thực của những thông tin, tài liệu đó;

            -  Chấp hành nội quy, quy định của cơ quan, tổ chức tư vấn pháp luật.

10. Quyền và trách nhiệm của cán bộ tư vấn, tư vấn viên, cộng tác viên thực hiện tư vấn pháp luật:

            a) Quyền hạn:

-  Được yêu cầu Tổ chức tư vấn pháp luật của cơ quan chủ quản hoặc công đoàn cấp có thẩm quyền đề nghị các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho hoạt động tư vấn pháp luật theo quy định của pháp luật;

-  Khi được ủy quyền hoặc phân công của Công đoàn, có quyền đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn, người lao động trước người sử dụng lao động, cơ quan nhà nước, tổ chức khác theo quy định của pháp luật;

-  Đề xuất với công đoàn cấp có thẩm quyền kiến nghị với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm giải quyết yêu cầu hoặc đề nghị của đối tượng tư vấn pháp luật theo quy định của pháp luật;

-  Được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tư vấn pháp luật; được hưởng các quyền lợi theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn;

-  Từ chối tư vấn pháp luật trong những trường hợp không thuộc chức năng, nhiệm vụ, nội dung tư vấn; đối tượng tư vấn có hành vi vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, cố tình cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật.

-  Từ chối yêu cầu tư vấn pháp luật trái quy định của pháp luật và đạo đức xã hội;

b) Trách nhiệm:

- Tiếp nhận, nghiên cứu, trả lời, theo dõi kết quả tư vấn và lưu giữ hồ sơ tư vấn theo quy định;

- Tư vấn pháp luật trung thực, khách quan;

- Tuân thủ các quy định của pháp luật và hướng dẫn của LĐLĐ tỉnh về thực hiện tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý;

- Chịu trách nhiệm về nội dung tư vấn pháp luật do mình thực hiện;

- Bồi hoàn thiệt hại do lỗi của mình gây ra trong khi thực hiện tư vấn pháp luật.

11. Quyền và trách nhiệm của tổ chức thực hiện tư vấn

a) Quyền hạn:

- Được đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan cung cấp thông tin về những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đối tượng tư vấn;

- Được kiến nghị hoặc đề xuất với công đoàn cấp có thẩm quyền kiến nghị với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hữu quan giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của đoàn viên công đoàn và người lao động;

- Được tiếp nhận tài trợ của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn.

b) Trách nhiệm:

- Tuân theo quy định của pháp luật, quy định của Tổng Liên đoàn và các quy định của cấp công đoàn ra quyết định thành lập;

- Chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật và trước Công đoàn cấp ra quyết định thành lập;

- Chịu trách nhiệm về hoạt động tư vấn pháp luật của cán bộ tư vấn do mình quản lý;

- Định kỳ 6 tháng, báo cáo cơ quan Công đoàn cấp mình về kết quả hoạt động tư vấn pháp luật.

12. Quyền và trách nhiệm của Liên đoàn lao động tỉnh và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở 

- Căn cứ vào quy định của Tổng Liên đoàn, ban hành các quy định cụ thể triển khai thực hiện chủ trương, đường lối phát triển hoạt động tư vấn pháp luật của Công đoàn phù hợp với nhu cầu, điều kiện của địa phương, ngành;

- Quản lý và thường xuyên chỉ đạo về tổ chức, hoạt động của tổ chức tư vấn pháp luật do mình thành lập;

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; bồi dưỡng kỹ năng tư vấn pháp luật cho cán bộ làm công tác tư vấn;

- Hỗ trợ Công đoàn cấp dưới về chuyên môn, nghiệp vụ, tài chính và các điều kiện đảm bảo khác phục vụ cho hoạt động tư vấn; 

- Kiểm tra và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước tại địa phương kiểm tra việc chấp hành các quy định về tổ chức, hoạt động tư vấn theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn;

- Định kỳ 6 tháng, các cấp công đoàn báo cáo Công đoàn cấp trên về tổ chức và hoạt động tư vấn pháp luật ở cấp mình trước ngày 30 tháng 5 và tháng 11 hàng năm.

  Trên đây là hướng dẫn tổ chức và hoạt động tư vấn pháp luật của CĐCS và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; đề nghị các đơn vị trực thuộc LĐLĐ tỉnh, triển khai thực hiện, báo cáo kết quả về LĐLĐ tỉnh theo quy định.

 

Nơi nhận:

- Tỉnh uỷ Yên Bái;

- UBND tỉnh Yên Bái;

- Thường trực LĐLĐ tỉnh;

- Ban Quan hệ lao động - TLĐ;

- Các LĐLĐ huyện, TX, TP;

- Các CĐ ngành, CĐ Viên chức tỉnh;

- Các CĐCS trực thuộc;

- Lưu: VP, Ban CSPL.

TM. BAN THƯỜNG VỤ

 PHÓ CHỦ TỊCH      

 

 

 Đã ký

 

Nguyễn Ngọc Thanh

 

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter