Thiệt hại vì sai vài chữ!


Ngày xuất bản: 15/03/2016 12:45:29 SA
Lượt đọc: 4094

 

Một vụ hòa giải tranh chấp lao động tại cơ quan chức năng vì hai bên không thể tự giải quyết - Ảnh minh họa.

Không chú ý câu từ khi thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), nhiều doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) đã gặp phải những rắc rối, đôi khi dẫn đến tranh chấp kéo dài, mà một trong hai bên bị thiệt hại khá lớn!

Sai một li suýt đi… 1 tỉ

Đó là câu chuyện đáng nhớ của anh N.H.C, làm việc cho một Cty hoạt động trong lĩnh vực hàng không có trụ sở tại TPHCM hơn 21 năm. Ngày 17.9.2012, anh C làm đơn xin thôi việc. Trong thời gian 45 ngày chờ thanh lí hợp đồng, anh C làm đơn xin phép nghỉ từ ngày 2 - 15.10.2012 để đi nước ngoài giải quyết việc gia đình. Tuy nhiên, phía Cty không đồng ý và cho biết sẽ nhờ công an cửa khẩu can thiệp không cho anh xuất cảnh. Sau đó, đại diện Cty thương lượng rằng, nếu anh rút đơn nghỉ việc thì anh được đi, khi nào anh trở về sẽ tiếp tục giải quyết vụ việc. Vì công việc gấp rút nên ngày 1.10.2012, anh C gửi email cho Cty xin tạm thời rút đơn xin thôi việc. Đến ngày 22.10.2012, nhận thấy việc gia đình khó có thể giải quyết ổn định, anh làm đơn gửi Cty Jetstar tiếp tục xin thôi việc theo nội dung đơn ngày 17.9.2012. Đại diện Cty đã phê thẳng vào đơn của của anh là “Đồng ý” và đóng dấu của Cty. Như vậy, tính từ lúc anh gửi đơn thôi việc, trừ đi thời gian anh C tạm rút đơn thì đến ngày 30.11.2012, anh đã hoàn thành đủ thời gian báo trước.

Thế nhưng, phía Cty cho rằng, anh C đã vi phạm thời hạn báo trước 45 ngày và đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật, do đó Cty khởi kiện yêu cầu TAND quận Tân Bình buộc anh C bồi thường chi phí đào tạo, nửa tháng lương với số tiền hơn 1,1 tỉ đồng. Ngày 14.8.2013, cấp sơ thẩm TAND quận Tân Bình đã xét xử tuyên buộc anh C bồi thường tất cả các khoản chi phí trên cho Cty.

Ở cấp phúc thẩm, tòa tuyên anh C không đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật nên Cty phải trả trợ cấp thôi việc, thanh toán 17,5 ngày phép năm cho anh với tổng số tiền là 756.434.250 đồng. Tuy nhiên, vì anh C chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn thỏa thuận làm việc với Cty nên anh chỉ trả chi phí đào tạo cho Cty với số tiền là 976.404.520 đồng. Sau khi cấn trừ, anh còn trả cho Cty khoảng 200 triệu đồng.

“Chỉ vì một cái email “tạm thời rút đơn xin thôi việc” mà thủ tục giải quyết vụ việc của tôi phải trải qua hai cấp tòa, mệt mỏi vô cùng. Suýt nữa tôi phải trả giá cho một bài học trị giá 1 tỉ đồng”, anh C nói.

Đúng luật mà xử!

“Tôi nghĩ, nếu họp hội đồng kỉ luật, rồi ra quyết định sa thải thì cô ấy sẽ không xin được việc ở đâu nữa nên tôi để cho phòng nhân sự làm thủ tục chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn với cô ấy. Nào ngờ, chính cái việc lấy tình cảm áp dụng cho một tình huống pháp lí đã làm hại tôi khi cô ấy quay trở lại kiện ngược Cty đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật”, ông N.T.T - Giám đốc Cty A.C (TPHCM) - vò đầu bứt tai khi nói về tình huống của mình.

“Cô ấy” chính là nhân viên phòng nhân sự của Cty ông T - người thường không tuân thủ thời giờ làm việc. Theo ông T, nhân viên này xin nghỉ mỗi tuần 1 ngày trong vòng 7-8 tháng để học thạc sĩ, vì thấy nhân viên có chí tiến thủ nên ông chấp thuận ngay mà không đòi hỏi phải cung cấp giấy tờ chứng minh quá trình học. Nhưng sau thời gian cho phép của Cty, nhân viên này không xin thêm, cũng không thông báo hoàn thành khóa học hay chưa mà tiếp tục nghỉ. Khi bộ phận nhân sự đề nghị cung cấp giấy tờ để hoàn chỉnh bảng chấm lương thì nhân viên này nói đã xin phép bằng… miệng!

“Sau đó, thay vì hoàn thành giấy tờ cho bộ phận kế toán, cô ấy lại tiếp tục xin nghỉ không lương hơn 20 ngày dù chưa được chấp thuận, và để hợp thức hóa, cô ấy đã cung cấp các giấy tờ nghỉ ốm hưởng BHXH… Trước thái độ làm việc và những sai trái về thời gian nghỉ so với Luật Lao động, Cty đủ cơ sở để sa thải cô ấy. Nhưng vì là lao động trình độ cao, nếu nghỉ việc với lí do sa thải sẽ khiến cho NLĐ khó xin việc ở các Cty sau nên chúng tôi thống nhất làm thủ tục chấm dứt HĐLĐ với cô ấy”, ông T nhớ lại.

Thế nhưng, chính việc “lấy cái tình” áp dụng cho “cái lí” này đã khiến Cty gặp rắc rối khi cô nhân viên kiện Cty đã “đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật”. “Khi bị kiện ngược lại, xem xét lại hồ sơ, Luật Lao động, tôi biết về hình thức mình đã sai. Chúng tôi chấp nhận bồi thường nhưng đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho tôi khi giải quyết những vụ việc sau này, cứ đúng luật mà làm, ai sai người đó phải chịu”, ông T đúc kết.

(Theo Báo Lao động)

 

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter