Có thể bị phạt khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ


Ngày xuất bản: 13/12/2016 3:01:58 SA
Lượt đọc: 13416

 Cách đây ba năm, anh Nguyễn Hà Huy, công nhân cơ khí Khu công nghiệp Hoà Khánh - Đà Nẵng sau thời gian chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) ngắn hạn 12 tháng, công ty không ký tiếp hợp đồng và anh vẫn tiếp tục làm việc bình thường. Trong thời gian này đơn vị có cử anh tham gia một khoá học đào tạo, nâng cao tay nghề. Nay anh Huy có nhu cầu nghỉ việc thì có làm đơn báo trước theo dạng hợp đồng xác định hay không xác định thời hạn và có bị bồi thường chi phí đào tạo sau khi nghỉ việc hay không?

- Trong trường hợp cụ thể này anh Nguyễn Hà Huy phải làm đơn báo trước cho cơ quan theo dạng HĐLĐ không xác định thời hạn. Trường hợp này sẽ căn cứ điểm b, khoản 1, Điều 22 Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2012: “HĐLĐ xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng”. Sau khi chấm dứt thời hạn HĐLĐ nhưng phía công ty không ký tiếp, thì trường hợp này sẽ rơi vào quy định tại khoản 2, Điều 22, BLLĐ 2012: “ Khi HĐLĐ quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 điều này, hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, hai bên phải ký kết HĐLĐ mới; nếu không ký kết HĐLĐ mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b, khoản 1 điều này trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c, khoản 1 điều này trở thành HĐLĐ xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng”. Do khi hết hạn HĐLĐ quá 30 ngày mà công ty không ký kết HĐLĐ với anh Huy (ít nhất có thời hạn là 24 hoặc 36 tháng), nên mặc nhiên HĐLĐ đã ký kết trước đó trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn.

Như vậy anh Huy muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng thì anh phải căn cứ theo khoản 3, Điều 37 BLLĐ 2012 quy định: “Người lao động làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 (đối với phụ nữ mang thai - P.V) của bộ luật này”. Vì lẽ này, anh Huy muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ, phải báo cho công ty biết trước ít nhất 45 ngày.

Trong trường hợp, nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật, nghĩa là không báo trước cho người sử dụng lao động nay làm đơn báo trong khoảng thời gian ít hơn luật quy định, thì căn cứ Điều 43 BLLĐ về “Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật”, anh Huy sẽ không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động; nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước. Ngoài ra người lao động cũng sẽ không được nhận bảo hiểm thất nghiệp và buộc đền bù chi phí đào tạo.

(Báo Lao động)

 

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter