222.000 giáo viên vẫn mong ngóng


Ngày xuất bản: 16/12/2015 1:18:16 SA
Lượt đọc: 4770

 

Giáo viên đứng lớp tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú số 2 xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Ảnh: X.T

Vấn đề đang được đông đảo giáo viên kiêm nhiệm công tác công đoàn (CĐ) quan tâm hiện nay là xây dựng được mức giảm trừ giờ dạy phù hợp cho từng đối tượng cán bộ CĐ ở các cấp học để họ không bị thiệt thòi quyền lợi.

Liên quan quyền lợi của trên 222.000 người

CĐ Giáo dục VN vừa phối hợp với Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GDĐT) tổ chức góp ý cho Dự thảo Thông tư Quy định giảm trừ định mức giờ dạy cho giáo viên, giảng viên (gọi tắt là GV) kiêm nhiệm công tác CĐ. ThS Đặng Văn Bình - đại diện Ban soạn thảo dự thảo - cho hay, khoản 2, Điều 24, Luật CĐ năm 2012 quy định: “Cán bộ CĐ không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc trong một tháng đối với chủ tịch, phó chủ tịch CĐCS; 12 giờ làm việc trong 1 tháng đối với ủy viên BCH, tổ trưởng, tổ phó tổ CĐ để làm công tác CĐ và được đơn vị sử dụng LĐ trả lương”. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù ngành nghề, theo các quy định của Bộ GDĐT, việc trừ giờ dạy mới chỉ thực hiện đối với chủ tịch và phó chủ tịch CĐ các trường học; còn ủy viên BCH, tổ trưởng, tổ phó CĐCS chưa được thực hiện. Đây là lý do Bộ GDĐT xây dựng và ban hành thông tư quy định giảm trừ định mức giờ dạy cho GV kiêm nhiệm công tác CĐ trong các cơ sở giáo dục công lập, với mục tiêu là cán bộ CĐ không chuyên trách trong các cơ sở giáo dục được bảo đảm đúng, đủ thời gian dành cho hoạt động CĐ theo Luật CĐ năm 2012.

Theo cách tính giảm trừ giờ dạy trong dự thảo, GV kiêm nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch CĐ ở bậc mầm non được giảm trừ 24 giờ dạy trong tháng; ủy viên BCH, tổ trưởng, tổ phó bậc này được giảm 12 giờ dạy trong tháng. Ở cấp tiểu học, chủ tịch, phó chủ tịch CĐ trường được giảm trừ 14 giờ dạy trong tháng; ủy viên BCH, tổ trưởng, tổ phó là 7 giờ dạy trong tháng. Ở bậc cao đẳng và đại học, mức giảm trừ tương ứng lần lượt là 37 giờ chuẩn/năm học và 19 giờ chuẩn/năm học. Theo TS Đặng Hoàng Anh - Phó ban Tổ chức CĐ Giáo dục VN - dự thảo thông tư này sau khi hoàn thiện, được Bộ GDĐT thông qua và ban hành sẽ liên quan đến quyền lợi của trên 220.000 GV kiêm nhiệm công tác CĐ đang giảng dạy ở các cấp học.

Giáo viên ngại kiêm nhiệm công tác CĐ

Góp ý cho dự thảo, bà Nguyễn Thị Hường - Chủ tịch CĐ Đại học Vinh - cho rằng, ở khối đại học và cao đẳng, việc giảm trừ giờ dạy theo dự thảo bị giảm khá nhiều so với giờ giảm trừ được quy định tại Thông tư 47/2014 của Bộ GDĐT. Thực tế cuộc họp nào ở trường, có vấn đề gì nóng liên quan đến cán bộ, nhà giáo trong trường cũng đều có mặt cán bộ CĐ trường. Bởi vậy, GV rất ngại kiêm nhiệm công tác CĐ. Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hường - Chủ tịch CĐ Trường THPT Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm (TP.Hà Nội) - cho hay, cần tính mức giảm trừ giờ dạy sát với thực tế hơn. Ngay cùng cấp học, quy mô trường khác nhau, mức giảm trừ cũng nên khác nhau. “GV chẳng ai muốn kiêm nhiệm công tác CĐ, bởi phải làm đủ thứ việc, kể cả giặt chiếu, lau bàn ghế; phụ cấp thì thấp, nhưng đám hiếu, đám hỷ nào cán bộ CĐ cũng phải có mặt, phong bì tập thể, rồi còn phong bì cá nhân… chi phí không hề ít” - bà Hường chia sẻ.

Còn theo ông Đỗ Văn Nam - Phó Chủ tịch CĐ Giáo dục Hà Nội - số giờ giảm trừ theo dự thảo thông tư này là thấp. “Tại Hà Nội, đa số cán bộ CĐ các trường đang được giảm trừ giờ cao hơn. Nhiều trường đã vận dụng hợp lý hoàn cảnh của nhà trường vào quy chế chi tiêu nội bộ để động viên cán bộ CĐ của trường” - ông Nam cho biết. Một số GV kiêm nhiệm công tác CĐ cũng cho rằng, dự thảo thông tư cũng nên đề cập đến đối tượng GV kiêm nhiệm công tác CĐ khối ngoài công lập để họ không bị thiệt thòi quyền lợi. Trao đổi về vấn đề này, TS Phạm Văn Thanh - Phó Chủ tịch CĐ Giáo dục VN - nêu rõ: Ban soạn thảo sẽ lắng nghe, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến để dự thảo sát thực tiễn hơn cả về tên gọi, đối tượng, cách tính giảm trừ giờ dạy cho từng đối tượng, từng cấp học. Điều quan trọng là giúp Bộ GDĐT xây dựng và sớm ban hành được thông tư đúng với Luật CĐ năm 2012; đảm bảo quyền lợi của GV kiêm nhiệm công tác CĐ; đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa cán bộ CĐ nhà trường với người sử dụng lao động.

(Theo Báo Lao động) 

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter