Các cấp công đoàn nỗ lực thực hiện chương trình phát triển đoàn viên giai đoạn 2013 – 2018 của tổng LĐLĐ Việt Nam


Ngày xuất bản: 17/12/2014 9:57:49 CH
Lượt đọc: 4036

            Xác định chương trình phát triển đoàn viên giai đoạn 2013 – 2018 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một trong 4 chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI, thời gian qua mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song LĐLĐ tỉnh Yên Bái đã chủ động đưa ra những mục tiêu, giải pháp phù hợp chỉ đạo cơ sở nhằm nâng cao công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn. Ngay sau khi có Chương trình phát triển đoàn viên giai đoạn 2013 – 2018 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đầu năm 2014 LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình và giao chỉ tiêu cho LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố, các công đoàn ngành, công đoàn viên chức. Theo đó, các công đoàn cấp trên trực tiếp đã tích cực triển khai thực hiện, trong đó chú trọng tới công tác khảo sát, nắm tình hình doanh nghiệp trên địa bàn, trực tiếp gặp gỡ chủ doanh nghiệp, hỗ trợ việc vận động thành lập CĐCS ở các doanh nghiệp đông lao động, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, tăng cường mối quan hệ công tác với cấp ủy địa phương, thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động, nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn để thu hút đoàn viên vào TCCĐ và thành lập CĐCS. Một trong những đơn vị thực hiện tốt kế hoạch của LĐLĐ tỉnh về phát triển đoàn viên từ đầu năm đến nay là Công đoàn ngành Công thương. Do có sự đổi mới phương thức tiếp cận, nội dung và hình thức tuyên truyền vận động cả người sử dụng lao động và người lao động nên đã nhận được sự đồng tình ủng hộ, đặc biệt là chủ các doanh nghiệp. Ông Phạm Duy Hiển - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hằng Hiển cho biết: “Doanh nghiệp thương mại như chúng tôi cũng mong muốn thành lập CĐCS để bảo vệ quyền lợi cho anh em. Khi người lao động được đảm bảo về vật chất cũng như tinh thần họ sẽ yên tâm làm việc hiệu qủa hơn. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho CĐCS hoạt động...”

Doanh nghiệp tư nhân Hằng Hiển hiện có 37 công nhân lao động, với ngành nghề kinh doanh là phân phối các sản phẩm hàng công nghệ trên địa bàn tỉnh. Công việc vất vả, phải đi lại nhiều. Chị Lê Thị Hải – công nhân Doanh nghiệp tư nhân Hằng Hiển tâm sự: “Mặc dù đã được doanh nghiệp trả lương hàng tháng đúng kỳ hạn (trung bình 5,3 triệu đồng/người/tháng) và được đóng nộp bảo hiểm đầy đủ, song qua công tác tuyên truyền của cán bộ Công đoàn ngành Công thương chúng tôi vẫn mong muốn có một tổ chức đứng ra đại diện bảo vệ quyền lợi cho mình. Thông qua tổ chức công đoàn chúng tôi còn được tham gia các hoạt động xã hội, văn hoá tinh thần, được tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vì vây, 100% anh em trong doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, hăng hái tham gia tổ chức công đoàn”.

Qua khảo sát toàn ngành Công Thương có 61 doanh nghiệp, trong đó có 20 đơn vị đủ điều kiện thành lập công đoàn. Sau khi khảo sát hoạt động của các doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, số lượng lao động, Công đoàn ngành đã chủ động tổ chức hội nghị tập huấn kiến thức cơ bản của Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn năm 2012, Điều lệ công đoàn Việt Nam cho các chủ doanh nghiệp và người lao động, giúp họ hiểu hơn về pháp luật lao động, quyền và trách nhiệm khi tham gia tổ TCCĐ cũng như lợi ích và sự cần thiết phải có TCCĐ. Ông Lê Đình Nhiên – Chủ tịch Công đoàn ngành Công thương cho biết thêm: “Xác định việc triển khai thực hiện kế hoạch số 05 năm 2014 của LĐLĐ tỉnh về thực hiện Chương trình phát triển đoàn viên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, do đó ngay từ đầu nhiệm kỳ Công đoàn ngành đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các đồng chí trong Ban chấp hành đến các doanh nghiệp tuyên truyền, vận động. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay Công đoàn ngành đã vận động được 09 doanh nghiệp thành lập CĐCS, kết nạp mới 200 đoàn viên, nâng tổng số CĐCS trực thuộc ngành lên 31 và gần 1.800 đoàn viên. Kết quả bước đầu các CĐCS mới thành lập đã páht huy được vai trò của mình trong việc chăm lảo vệ quyền cho người lao động và xây dựng mối quan hệ hài hoà với doanh nghiệp”.

Mặc dù năm nay là năm đầu triển khai thực hiện chương trình phát triển đoàn viên giai đoạn 2013 - 2018 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhưng với sự nỗ lực của các cấp công đoàn, 6 tháng đầu năm 2014 đã vận động thành lập mới được 10 CĐCS khu vực ngoài nhà nước, đạt 67% kế hoạch năm, nâng tổng số CĐCS toàn tỉnh lên 1.134. Không chỉ tăng về số lượng, các cấp công đoàn trong tỉnh còn tập trung nâng cao chất lượng tổ chức công đoàn. LĐLĐ tỉnh đã xây dựng tiêu chuẩn phân xếp loại CĐCS vững mạnh đối với từng loại hình CĐCS, phân cụm thi đua và phối hợp thực hiện có hiệu quả các hoạt động trên địa bàn góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh. Công ty TNHH Nghĩa Văn, huyện Văn Chấn là một trong những đơn vị tiêu biểu trong công tác xây dựng TCCĐ vững mạnh. Ông Đoàn Cao Thắng - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Nghĩa Văn, huyện Văn Chấn cho biết thêm: “CĐCS công ty được thành lập từ năm 2003, với 78 đoàn viên. Ngay từ khi thành lập CĐCS đã xây dựng quy chế hoạt động của Ban chấp hành, quy chế phối hợp với giám đốc Công ty. Đồng thời, quan tâm chăm lo bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, người lao động thông qua việc thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể. Từ đó đã nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của Công ty và người lao động cũng yên tâm công tác, tích cực xây dựng CĐCS vững mạnh xuất sắc”.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn trên 1.000 đơn vị chưa có TCCĐ vì phần lớn các doanh nghiệp đều có qui mô vừa và nhỏ, hoạt động theo thời vụ; Một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, không ít doanh nghiệp bị giải thể hoặc tạm dừng hoạt động; Một số chủ doanh nghiệp chưa hiểu được việc thành lập TCCĐ sẽ giúp doanh nghiệp tham gia quản lý đồng hành cùng sự phát triển bền vững của doanh nghiệp...do đó, việc vận động các doanh nghiệp ngoài nhà nước thành lập TCCĐ là rất khó. Và trên thực tế các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở còn gặp muôn vàn khó khăn: Ông Hoàng Trọng Nghĩa - Phó chủ tịch LĐLĐ huyện Văn Chấn cho biết: “Hiện nay trên địa bàn huyện có trên 100 doanh nghiệp chưa có TCCĐ nhưng 80% doanh nghiệp hoạt động nhỏ lẻ theo quy mô gia đình trong lĩnh vực sản xuất chế biến chè, chế biến gỗ, xây dựng, thương mại, dịch vụ nên việc làm và lao động không ổn định. Khoảng 20% doanh nghiệp có đủ điều kiện thành lập công đoàn thì nhiều lần chúng tôi đã đến vận động nhưng không tham gia. Một số doanh nghiệp có đông lao động nhưng lại chỉ ký kết hợp đồng dài hạn với các chức danh chủ chốt, còn lại là ký hợp đồng ngắn hạn để né tránh việc vận động thành lập CĐCS. Vì vậy, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong công tác phát triển đoàn viên và thành lập TCCĐ”.

Để góp phần thực hiện tốt chương trình phát triển đoàn viên giai đoạn 2013 – 2018 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, LĐLĐ tỉnh Yên Bái đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến 2018 kết nạp mới trên 5.000 đoàn viên và  100% đơn vị, doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên sản xuất ổn định thành lập được TCCĐ; hàng năm có trên 80% CĐCS ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp khu vực nhà nước; trên 40% CĐCS khu vực ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài đạt CĐCS vững mạnh. Riêng năm 2014 phấn đấu thành lập 15 CĐCS và kết nạp mới 1.200 đoàn viên, năm 2015 phấn đấu thành lập 20 CĐCS, kết nạp mới 1.100 đoàn viên và đến hết nhiệm kỳ phấn đấu thành lập gần 100 CĐCS, với gần 6.000 đoàn viên. Về giải pháp trọng tâm của LĐLĐ tỉnh thời gian tới, Ông Nguyễn Hữu Khoa - Ủy viên BTV - Trưởng Ban tổ chức LĐLĐ tỉnh cho biết: “Chúng tôi sẽ chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động phối hợp với các cấp chính quyền và các cơ quan hữu quan trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện chương trình phát triển đoàn viên. Đổi mới phương thức tiếp cận, quy trình vận động thành lập công đoàn. Xây dựng mô hình và chỉ đạo điểm về công tác vận động thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 6a năm 2011 của BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Tiếp tục đổi mới nội dung phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS”. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 4a năm 2014 của BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI về “Nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đáp ứng yêu cầu phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong tình hình mới”.

Cùng với sự quyết tâm của các cấp Công đoàn trong tỉnh và giải pháp thiết thực đã đề ra của LĐLĐ tỉnh, cần có sự đồng thuận tạo điều kiện của các cấp, các ngành, đặc biệt là các chủ doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn mới có thể thực hiện tốt chương trình phát triển đoàn viên theo Nghị quyết Đại hội công đoàn Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2013 – 2018.

Bài, ảnh: Thanh Xuân (LĐLĐ tỉnh)

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter