Cần đảm bảo quyền lợi giáo viên, giảng viên kiêm nhiệm công tác công đoàn


Ngày xuất bản: 02/12/2015 6:20:14 SA
Lượt đọc: 4014

 

 TS. Đặng Hoàng Anh - thành viên Ban soạn thảo Dự thảo Thông tư phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Xuân Trường)

Đó là mong muốn của các giáo viên, giảng viên kiêm nhiệm công tác công đoàn được chia sẻ tại Hội thảo góp ý Dự thảo Thông tư Quy định giảm trừ định mức giờ dạy cho giáo viên, giảng viên kiêm nhiệm làm công tác CĐ, do CĐ Giáo dục VN phối hợp với  Cục Nhà giáo và CB quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GDĐT) tổ chức ngày 1.12 tại Hà Nội.

Tham dự hội thảo có một số CB, chuyên viên Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ, Bộ LĐTBXH, Tổng LĐLĐVN; đại diện CĐ giáo dục các tỉnh, TP và một số trường đại học, PTTH, THCS, Tiểu học từ Thừa Thiên - Huế trở ra…

Bà Nguyễn Thị Hường - Chủ tịch CĐ Đại học Vinh phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Xuân Trường) 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Văn Thanh - Phó Chủ tịch CĐ VN nêu rõ: Khoản 2 Điều 24 Luật CĐ năm 2012 quy định“CBCĐ không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc trong một tháng đối với chủ tịch, phó chủ tịch CĐCS; 12 giờ làm việc trong 1 tháng đối với ủy viên BCH, tổ trưởng, tổ phó tổ CĐ để làm công tác CĐ và được đơn vị sử dụng LĐ trả lương”. Đây là quy định chung của Nhà nước nhằm đảm bảo thời gian hoạt động cho CBCĐ không chuyên trách ở tất cả các loại hình CĐCS trong các cơ quan, đơn vị, DN và trường học. Ông Thanh cho hay, đối với ngành GDĐT, do tính chất đặc thù ngành nghề, thời giờ làm việc đối với giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học được quy định tại Thông tư 47/2014-TT-BGD&ĐT; đối với giáo viên các trường trung cấp chuyên nghiệp tại Quyết định số 18/2007 QĐ-BGD&ĐT; đối với giáo viên các trường phổ thông được quy định tại Thông tư 28/2009/TT - BGD&ĐT và Thông tư 48/2011-TT-BGD&ĐT đối với giáo viên mầm non. Theo đó, thời gian làm việc của giáo viên, giảng viên được xác định trên cơ sở giờ chuẩn và được quy định mức giờ chuẩn trong một năm học cho từng vị trí giảng dạy ở từng cấp học. Trong các văn bản trên, việc trừ giờ cho chủ tịch và phó chủ tịch CĐ các trường học đã được thực hiện. Tuy nhiên, các đối tượng là ủy viên BCH, tổ trưởng, tổ phó CĐ chưa được thực hiện. Vì vậy, việc áp dụng Khoản 2 Điều 24 Luật CĐ năm 2012 nêu trên cho các đối tượng như thế nào cho phù hợp với đặc thù của ngành GDĐT là vấn đề đặt ra. Đây cũng chính là lý do Bộ GDĐT xây dựng và ban hành Thông tư Quy định giảm trừ định mức giờ dạy cho giáo viên, giảng viên kiêm nhiệm làm công tác CĐ trong các cơ sở giáo dục công lập.

Tại hội thảo, các ý kiến đã tập trung góp ý về đối tượng được giảm trừ; mức giảm trừ, cách tính giảm trừ giờ dạy cho từng đối tượng giáo viên, giảng viên kiêm nhiệm công tác CĐ ở các cấp học... Nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo này cần đáp ứng quy định của Luật CĐ năm 2012, đảm bảo cho các giáo viên, giảng viên kiêm nhiệm làm công tác CĐ đủ thời gian làm công tác CĐ. Đồng thời, cần đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các giáo viên, giảng viên kiêm nhiệm công tác CĐ, kể cả cần có điều kiện áp dụng đối với các giáo viên, giảng viên kiêm nhiệm công tác CĐ ở khối CĐ các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Thay mặt Ban soạn thảo Dự thảo Thông tư Quy định giảm trừ định mức giờ dạy cho giáo viên, giảng viên kiêm nhiệm làm công tác CĐ, TS Nguyễn Hải Thập - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và CB quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GDĐT) đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu để nghiên cứu, chỉnh sửa nhằm sớm hoàn thiện Dự thảo Thông tư này trình lãnh đạo Bộ GDĐT xem xét, ban hành.

(Theo Báo Lao động)

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter