Công đoàn cần đổi mới để thu hút đoàn viên


Ngày xuất bản: 07/03/2016 7:51:08 SA
Lượt đọc: 3946

 

Khi Việt Nam tham gia TPP, tổ chức công đoàn cần nghiên cứu, đổi mới để thu hút người lao động tham gia công đoàn. Trong ảnh là giờ làm việc của công nhân Cty CP Chế tạo Điện cơ Hà Nội. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ đảm bảo tốt hơn các quyền cơ bản của người lao động (NLĐ) như xóa bỏ lao động (LĐ) cưỡng bức, LĐ trẻ em và xóa bỏ phân biệt đối xử trong LĐ, về đảm bảo điều kiện LĐ liên quan tới lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn LĐ. Về cơ bản hệ thống pháp luật của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và cam kết của hiệp định nên không có yêu cầu về việc sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, thách thức đặt ra với công đoàn là rất lớn.

Thách thức lớn đối với tổ chức công đoàn

Về quyền thành lập tổ chức đại diện của NLĐ, theo hiệp định, Việt Nam cũng như tất cả các nước tham gia TPP phải tôn trọng và bảo đảm quyền của NLĐ trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của NLĐ tại cơ sở. Tổ chức của NLĐ tại cơ sở có thể lựa chọn gia nhập Tổng LĐLĐVN hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được chính thức hoạt động và sẽ chỉ được hoạt động sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận đăng ký. Các tổ chức của NLĐ phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại. Các tổ chức của NLĐ không được phép tiến hành bất cứ hoạt động nào có khả năng xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội cũng như không được tham gia bất cứ hoạt động nào ngoài tôn chỉ, mục đích phù hợp với quy định của ILO, đã đăng ký và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận.

Quy định là như thế nhưng thực tiễn không đơn giản như vậy, nên đây là thách thức rất lớn đối với tất cả các bên, như một vài thí dụ sau đây.

Hiện nay một số ý kiến, kể cả một số luật sư cho rằng tổ chức Công đoàn Việt Nam (CĐVN) trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam thời gian qua chưa thật sự đại diện và đứng về phía NLĐ. Tất nhiên có thể có một vài việc cụ thể như vậy song về tổng thể, CĐVN có nhiệm vụ chính là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ và tập thể NLĐ. Bên cạnh đó CĐ cũng đàm phán để có những điều khoản trong thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) có lợi hơn cho NLĐ, thành công trong việc giải quyết tranh chấp LĐ, cân đối lợi ích hài hòa giữa NLĐ, nhà đầu tư, doanh nghiệp, Nhà nước. Bên cạnh đó, trong cơ chế thị trường cạnh tranh quyết liệt và hội nhập quốc tế, thị trường LĐ sôi động và để có một vị trí LĐ là không dễ. Vị trí LĐ là nơi NLĐ bán sức LĐ kiếm tiền, doanh nghiệp là nồi cơm chung của các bên. Sự đòi hỏi quá đáng của một số LĐ quá khích có thể phá vỡ sự cân bằng lợi ích hài hòa các bên có thể đưa doanh nghiệp đến khó khăn hoặc phá sản, dẫn tới NLĐ mất việc làm, thất nghiệp, nguồn tiền sinh sống bị cắt đứt.

Nghiên cứu kỹ để đổi mới

Có một thực tế, không ít doanh nghiệp không tạo điều kiện và gây khó dễ cho việc thành lập tổ chức CĐ vì sợ CĐ gây phiền hà và tốn tiền nộp kinh phí; cơ quan hành pháp không nghiêm khắc trong việc xử lý các doanh nghiệp không thi hành pháp luật về việc thành lập CĐ; Tổng LĐLĐVN, các LĐLĐ địa phương chưa kiên quyết đối với tập thể NLĐ ở các doanh nghiệp này. Chính đây có thể là cơ hội cho một số cá nhân, tổ chức giấu tên trong nước và nước ngoài tài trợ ngầm về tài chính cho một số người nhân danh đại diện NLĐ vận động NLĐ phản ứng quá khích hoặc đình công không cần thiết gây rối loạn doanh nghiệp và xã hội, thay vì nếu có tổ chức CĐ có thể thông qua đàm phán thương lượng, góp ý… Cũng có nhiều NLĐ ngộ nhận là CĐ không bênh vực cho NLĐ và cần có đại diện riêng khác cho NLĐ. Việc này rất dễ dẫn đến việc vi phạm pháp luật, an ninh nhà nước và an ninh quốc phòng, có thể dẫn tới các hậu quả chưa lường trước được, mà nhiều nước trên thế giới xảy ra cách mạng màu, dẫn tới rối loạn xã hội và chính trị.

Rõ ràng đây là vấn đề không đơn giản, là cơ hội và thách thức lớn đối với các bên tham gia vào hiệp định. Tổng LĐLĐVN cũng cần nghiên cứu, đổi mới để thu hút NLĐ vào CĐVN. CĐVN là tổ chức chính trị - xã hội được quy định trong Hiến pháp và Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động, còn tổ chức đại diện cho NLĐ không trong CĐVN chỉ là tổ chức xã hội. 

TS Lê Trường Sơn - nguyên Ủy viên BCH Công đoàn Công Thương Việt Nam, nguyên Chủ tịch Công đoàn TCty Điện tử và Tin học. 

(theo Báo Lao động)

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter