Bảo hiểm Xã hội - Liên đoàn Lao động tỉnh: Tăng cường hoạt động phối hợp để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích cho người lao động.


Ngày xuất bản: 18/11/2015 8:03:40 SA
Lượt đọc: 8661

 Bảo hiểm xã hội (BHXH) là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm y tế (BHYT) là một hình thức bảo hiểm theo đó người mua bảo hiểm sẽ được cơ quan bảo hiểm trả thay một phần hoặc toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cũng như chi phí mua thuốc men khám chữa bệnh.

Lễ ký kết quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2015 - 2020 giữa LĐLĐ tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái (ảnh: Duy Hiển)

Những năm qua việc thực hiện đóng và sử dụng BHXH, BHYT đã được Đảng, nhà nước quan tâm lãnh đạo bằng các Nghị quyết, cụ thể hóa bằng việc ban hành và sửa đổi Luật về BHXH, BHYT, nhận thức của nhân dân nói chung, của công nhân, viên chức lao động (CNVCLĐ) nói riêng đã được nâng lên một bước; Người sử dụng lao động (NSDLĐ) cơ bản đã nắm bắt và thực hiện tương đối tốt việc trích nộp BHXH, BHYT cho người lao động. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Yên Bái những năm qua việc thực hiện đóng BHXH, BHYT đối với người lao động vẫn còn hiện tượng né tránh hoặc chậm trích nộp BHXH, BHYT của các cơ quan, đơn vị, nhất là đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Xuất phát từ tình hình đó, từ năm 2012 Liên đoàn Lao động tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái đã ký quy chế phối hợp hoạt động nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và thu nộp BHXH, BHYT cho người lao động bước đầu đã có những chuyển biến tích cực góp phần hạn chế và giảm bớt tình trạng trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH, BHYT của NSDLĐ, nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài...

Trước tình hình hiện nay đất nước hội nhập ngày càng sâu nền kinh tế quốc tế, tỉnh Yên Bái cũng đang có bước chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu nền kinh tế, số lượng, cơ cấu lao động trong tỉnh không ngừng tăng lên và đa dạng hơn, từ đó việc thực hiện chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động của tổ chức công đoàn các cấp trong tỉnh càng trở nên khó khăn; việc thực hiện chức năng tổ chức thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế; tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: Bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng đang đặt ra những thách thức đối với cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp trong tỉnh.

Thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT là bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động

Để đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao trong việc thực hiện chính sách về BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh, ngày 17/11/2015, Liên đoàn Lao động và Bảo hiểm xã hội tỉnh đã ký quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2015 - 2020 với mục tiêu nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa hai ngành trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức các hoạt động trọng tâm là thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, hướng tới mục tiêu là thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, BHYT đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động và một số nội dung có liên quan tới tổ chức Công đoàn như phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và thi đua khen thưởng. Để quy chế hoạt động có hiệu quả cần đảm bảo nguyên tắc: mọi hoạt động phối hợp được thực hiện trên cơ sở quy định của pháp luật, theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và có sự thống nhất của mỗi bên; hai bên cần chủ động, tích cực trong việc phối hợp thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, việc phối hợp phải kịp thời, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, thường xuyên cung cấp, trao đổi thông tin về các hoạt động liên quan đến BHXH, BHYT.

Trên cơ sở quy chế đã được ký kết từ năm 2012, quy chế giai đoạn 2015 2020 đã tiếp tục bổ xung và làm rõ hơn những nội dung trọng tâm cần được triển khai thực hiện:

- Phối hợp nghiên cứu kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT và các văn bản chỉ đạo có liên quan: Bảo hiểm xã hội tỉnh có trách nhiệm chủ động nghiên cứu, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT gửi BHXH Việt Nam và Tổng Liên đoàn để đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Liên đoàn Lao động tỉnh có trách nhiệm tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của người lao động về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT để phối hợp với BHXH tỉnh gửi Tổng Liên đoàn và BHXH Việt Nam đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

- Phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật: Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ trì phối hợp với LĐLĐ tỉnh xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT theo kế hoạch và chỉ đạo của BHXH Việt Nam; Phối hợp tuyên truyền về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, Luật Công đoàn. Liên đoàn Lao động tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh chủ động, phối hợp tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT tới cán bộ công đoàn, người sử dụng lao động và công nhân, viên chức, lao động để người lao động hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT.

- Phối hợp tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT: Bảo hiểm xã hội tỉnh và LĐLĐ tỉnh có trách nhiệm tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh để tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn và phối hợp với các ngành liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT hàng năm; Phối hợp trong tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN và quản lý đối tượng; thu BHXH, BHYT, BHTN; giải quyết đúng, đủ, kịp thời chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

- Phối hợp kiểm tra, giám sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo, đơn thư về BHXH, BHYT: kiểm tra thường xuyên việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT; LĐLĐ tỉnh có trách nhiệm phối hợp với BHXH tỉnh trong kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn; có trách nhiệm trả lời đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo về BHXH, BHYT theo thẩm quyền, quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật BHXH, Luật BHYT và Luật Việc làm. Trong trường hợp cần thiết tham khảo ý kiến của mỗi bên trước khi trả lời.

- Phối hợp thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT: triển khai thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam và quy định của pháp luật; chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT của đơn vị được thanh tra cho Đoàn thanh tra chuyên ngành của BHXH tỉnh theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp thực hiện khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội: có trách nhiệm chỉ đạo các cấp công đoàn thực hiện quyền khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH; trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu chứng cứ và phối hợp với LĐLĐ tỉnh khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH và tham gia tố tụng tại tòa án với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Tin tưởng rằng, với các nội dung đã được đề ra một cách cụ thể trong quy chế phối hợp, sự đồng thuận trong chỉ đạo và quyết tâm cao của hai cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh và Bảo hiểm xã hội nhiệm vụ thực hiện nghiêm pháp luật về BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Yên Bái sẽ có những chuyển biến và thu được kết quả tốt hơn; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động được đảm bảo; góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu về phát triển kinh tế xã hội gắn với đảm bảo tốt an sinh xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII đã đề ra./.

Phạm Duy Hiển - LĐLĐ tỉnh Yên Bái

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter