Các bước giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp


Ngày xuất bản: 03/03/2016 1:04:07 SA
Lượt đọc: 9653

 YBĐT - Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tập trung tiến hành trong khoảng thời gian từ ngày 24/2/2016 đến ngày 10/3/ 2016 và thực hiện theo 3 bước sau:

Bước 1: Ban lãnh đạo cơ quan họp dự kiến người được giới thiệu ra ứng cử ĐBQH. Đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức đơn vị, chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân giới thiệu mục đích yêu cầu của cuộc họp, cơ cấu thành phần, số lượng người được phân bổ giới thiệu ứng cử, tiêu chuẩn của đại biểu HĐND và các bước tiến hành để lập danh sách giới thiệu người ứng cử.

Bước 2: Tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với người được dự kiến giới thiệu ứng cử.

Điều 1. Đối với người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) được tổ chức ở nơi người ứng cử công tác hoặc làm việc (nếu có). Trường hợp người ứng cử có nhiều nơi công tác hoặc nơi làm việc thì tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi người đó công tác hoặc làm việc thường xuyên.

Điều 2. Thẩm quyền chủ trì và triệu tập hội nghị cử tri nơi công tác được thực hiện như sau:

a) Người ứng cử ĐBQH công tác chuyên trách tại cơ quan Đảng các cấp thì ban lãnh đạo cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị.

Người ứng cử đại biểu HĐND công tác chuyên trách tại cơ quan Đảng các cấp thì người đứng đầu cơ quan phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị.

b) Người ứng cử ĐBQH đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại đoàn ĐBQH ở địa phương thì tổ chức lấy ý kiến cử tri tại Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND hoặc Văn phòng Đoàn ĐBQH (ở những nơi đã có văn phòng đoàn ĐBQH). Người đứng đầu cơ quan phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị.

Người ứng cử đại biểu HĐND đang công tác tại Thường trực HĐND, các ban của HĐND cấp tỉnh thì tổ chức lấy ý kiến cử tri tại văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND hoặc Văn phòng HĐND (ở những nơi đã có văn phòng HĐND); đang công tác tại Thường trực HĐND, các ban của HĐND cấp huyện thì tổ chức lấy ý kiến cử tri tại Văn phòng HĐND và Ủy ban nhân dân (UBND). Người đứng đầu cơ quan phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị.

Người ứng cử ĐBQH đang là Chủ tịch UBND, Phó chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện thì tổ chức lấy ý kiến cử tri tại văn phòng UBND cùng cấp. Người đứng đầu cơ quan phối hợp với ban chấp hành công đoàn cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị.

Người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND công tác tại Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, Kiểm toán nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan khác của Nhà nước thì người đứng đầu cơ quan phối hợp với ban chấp hành công đoàn triệu tập và chủ trì hội nghị;

c) Người ứng cử ĐBQH công tác tại cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp các cấp thì ban lãnh đạo của tổ chức triệu tập và chủ trì hội nghị.

Người ứng cử đại biểu HĐND công tác tại cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp các cấp thì người đứng đầu tổ chức phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn triệu tập và chủ trì hội nghị.

d) Người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế thì người đứng đầu đơn vị phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn triệu tập và chủ trì hội nghị.

đ) Người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND công tác tại đảng ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội cấp xã thì tổ chức hội nghị liên tịch giữa đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội cấp xã do người đứng đầu cấp ủy triệu tập và chủ trì hội nghị.

e) Người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND công tác ở các đơn vị vũ trang nhân dân thì do lãnh đạo, chỉ huy đơn vị triệu tập và chủ trì hội nghị.

g) Trường hợp nơi công tác hoặc nơi làm việc của người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND quy định tại khoản này chưa có tổ chức công đoàn thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị triệu tập và chủ trì hội nghị. Trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND thì cấp phó của cơ quan, tổ chức, đơn vị triệu tập và chủ trì hội nghị.

Nơi nào có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm có 2/3 người tham dự. Trên 100 cử tri thì tổ chức hội nghị cử tri đại diện nhưng phải bảo đảm 70 người tham dự.

Bước 3: Trên cơ sở ý kiến nhận xét và tín nhiệm tại hội nghị cử tri nơi công tác, nơi làm việc, ban lãnh đạo cơ quan tổ chức hội nghị mở rộng để thảo luận, giới thiệu người ứng cử ĐBQH. Căn cứ vào kết quả hội nghị ban lãnh đạo mở rộng, người được lựa chọn giới thiệu ứng cử ĐBQH sẽ được hướng dẫn làm hồ sơ ứng cử theo quy định.

Căn cứ vào kết quả hội nghị ban lãnh đạo mở rộng, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm hướng dẫn người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình được lựa chọn, giới thiệu ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND làm hồ sơ ứng cử theo quy định.

Đặng Hoài (Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái)

(Theo Báo Yên Bái)

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter