Đừng ép nhau vào đường cùng!


Ngày xuất bản: 07/03/2016 7:31:12 SA
Lượt đọc: 10614

CN Cty Nissey ngừng việc 8 ngày để yêu cầu ban giám đốc Cty xem lại cách tính lương.

Mỗi khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể thì câu cửa miệng của các giám đốc là “Ai không đồng ý với cách giải quyết của Cty thì nộp đơn xin thôi việc”. Khi nói ra câu này, người sử dụng lao động đinh ninh rằng “công nhân (CN) sẽ chẳng bao giờ dám nghĩ và sẽ ngoan ngoãn trở lại làm việc”. Trong vài trường hợp, những lời thách thức là “vũ khí” đe dọa của chủ doanh nghiệp (DN) đối với CN nhưng trong rất nhiều trường hợp nó “dầu thêm vào lửa”...

Hơn 100 công nhân viết đơn nghỉ việc cùng lúc!

“Chúng tôi không làm chỗ này thì đi làm chỗ khác, Sài Gòn có hàng ngàn Cty, xí nghiệp, không thiếu những DN làm ăn đàng hoàng, xem trọng người lao động (NLĐ), không cớ gì phải gắn bó với một ông chủ lúc nào cũng tìm cách cắt giảm, trừ tiền CN. Một người chủ không bao giờ lắng nghe CN, hiểu cho CN thì CN nào muốn gắn bó. Họ có tiền mở nhà xưởng sản xuất, chúng tôi cũng bỏ sức lao động, mồ hôi nước mắt để làm việc, tạo ra sản phẩm chứ đâu có ngồi không ăn lương mà bị coi khinh như người đi xin tiền”, một nữ CN Cty TNHH sản xuất may mặc Tao Nhã (huyện Hóc Môn, TPHCM) bức xúc. Chị nói một tràng dài không ngơi nghỉ và cho biết, chị và hơn 100 CN khác đã đồng loạt nộp đơn nghỉ việc vào ngày ngừng việc tập thể thứ 6.

Theo đó, sáng 27.2, cuộc ngừng việc tập thể của CN Cty Tao Nhã bước vào ngày thứ 6. Lý do được đưa ra là CN yêu cầu giám đốc Cty hạ mức khoán sản phẩm. Cụ thể, khi thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2016, Cty nâng lương tối thiểu vùng lên 450.000 đồng/tháng song lại nâng mức khoán, nếu CN không đạt sẽ bị trừ 300.000 đồng tiền trách nhiệm. Điều đáng nói, mức khoán mới lại quá cao nhưng trước khi áp dụng, Cty không hề thông báo cho CN, chỉ đến khi nhận được kỳ lương tháng 1 (được trả vào tháng 2.2016) và bị trừ tiền, CN mới biết.

CN đã đề nghị ban giám đốc Cty xem xét lại mức khoán nhưng không được chấp thuận, cho nên từ sau Tết Nguyên đán Bính Thân, CN đã tổ chức ngừng việc. Nhiều ngày sau đó, Cty vẫn không thay đổi quyết định, thương lượng bất thành, hơn 100 CN trong tổng số gần 180 CN ngừng việc đã nộp đơn xin thôi việc. Cty hứa đến ngày 15.3 sẽ thanh toán tiền lương cho CN, riêng sổ BHXH sẽ được chốt và trả trong vòng 30 ngày.

“Cty nâng lương nhưng lại nâng khoán sản phẩm, chẳng khác nào đi “bịp” CN, “bịp” luôn cơ quan chức năng bởi trên giấy tờ, họ đã nâng lương cơ bản lên 450.000 đồng/tháng. Chúng tôi cần việc thật nhưng chúng tôi cũng cần những ông chủ tôn trọng CN, tôn trọng luật pháp, có như vậy chúng tôi mới yên tâm mà làm việc. Chúng tôi sẽ tìm được việc khác thôi, thất nghiệp 1 tháng không chết được nhưng Cty ngừng hoạt động 1 tháng thì chắc sẽ khó. Khi đó, hi vọng giám đốc suy nghĩ lại mà đối xử tốt với những CN còn ở lại”, một nữ CN làm việc tại Cty Tao Nhã chia sẻ.

“Cựa một phát là giám đốc kêu viết đơn nghỉ việc”

“Sở thích của giám đốc em là yêu cầu CN viết đơn xin nghỉ việc. Cựa một phát là giám đốc kêu viết đơn liền. Người lớn mà hành xử kì cục. Chúng tôi ngừng việc là mong muốn được đối thoại đàng hoàng, giải quyết những khúc mắc để còn vào làm việc tiếp. Chúng tôi còn nói là còn muốn gắn bó, còn nghỉ việc thì chẳng cần đến giám đốc phải kêu”, một nữ CN làm việc tại Cty TNHH Nissey Việt Nam (KCX Tân Thuận, TPHCM) bức xúc khi giám đốc nhiều lần thông báo “Nếu Cty không đồng ý với cách giải quyết của Cty thì viết đơn xin thôi việc”, khi CN đình công yêu cầu Cty xem xét lại cách tính lương cơ bản.

Sau Tết Bính Thân, nhiều DN trên địa bàn TPHCM xảy ra ngừng việc tập thể liên quan đến lương, thưởng tết. Trong đó, nhiều cuộc ngừng việc được giải quyết nhanh chóng do chủ DN lắng nghe và đối thoại trực tiếp với CN như các vụ việc ở KCN Tân Tạo, KCN Tân Bình. Tuy nhiên, cũng có những cuộc ngừng việc kéo dài hơn 10 ngày, thậm chí 2 tuần lễ như cuộc ngừng việc ở Cty Gadys, Cty Nissey, Cty Woodworth Wooden Việt Nam (huyện Củ Chi, TPHCM)…, khi cả hai bên NLĐ và DN đều muốn “thi gan”.

“Cái chúng tôi cần là một cuộc đối thoại thẳng thắn, Cty nói khó khăn thì khó khăn chỗ nào phải nói cho CN hiểu. Thế nhưng, điều chúng tôi nhận lại là thông điệp “đồng ý thì làm, không đồng ý thì kiếm chỗ khác tốt hơn”! Nếu cứ thích thì làm, bất cập thì nghỉ vậy tình hình lao động càng bất ổn. Gặp khó khăn thì cùng ngồi lại giải quyết, khúc mắc thì tháo gỡ, chỉ cần một cuộc đối thoại và một chút lắng nghe thì mọi chuyện sẽ khác. Đáng tiếc, nhiều chủ DN không hiểu điều này nên mọi chuyện đáng lẽ giải quyết ôn hòa thì lại đẩy thành những cuộc đình công kéo dài hàng chục ngày khiến tất cả đều mệt mỏi”, một CN làm việc tại Cty Woodworth Wooden Việt Nam (huyện Củ Chi, TPHCM) nói.

(theo Báo Lao động)

  

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter