Luật BHXH còn phân biệt đối xử giữa những người lao động là bất công


Ngày xuất bản: 28/05/2015 12:10:29 SA
Lượt đọc: 11000

 

"Hai người lao động cùng tốt nghiệp như nhau, cùng làm việc như nhau, cùng đóng BHXH như nhau và sau 30 năm đóng BHXH thì người lao động làm việc trong khu vực quốc doanh lĩnh lương gấp 2 lần người làm ở khu vực ngoài nhà nước. Điều đó là không thể chấp nhận được”- Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng phát biểu trước Quốc hội sáng nay 27.5.

Bày tỏ sự biết ơn của tổ chức Công đoàn và người lao động với tờ trình xin sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội của Chính phủ, Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng cho rằng Chính phủ đã lắng nghe người lao động, lắng nghe đề xuất của Bộ LĐTBXH cũng như Tổng LĐLĐVN. Nhưng Chủ tịch TLĐ Đặng Ngọc Tùng cho rằng Quốc hội “không chỉ sửa một điều luật mà được” khi trong Luật BHXH còn chứa đựng sự phân biệt đối xử giữa chính những người lao động.

“Hai người lao động cùng tốt nghiệp như nhau, cùng làm việc như nhau, cùng đóng BHXH như nhau và sau 30 năm đóng BHXH thì người lao động làm việc trong khu vực quốc doanh lĩnh lương gấp 2 lần người làm ở khu vực ngoài nhà nước” - Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng nói và ông nhắc đi nhắc lại rằng đó là điều “không thể chấp nhận được”, "đó là bất công".

Bất công này trước mắt người lao động có thể chưa ý thức được nhưng 10-15 năm sau, khi lĩnh lương hưu họ sẽ thấy điều đó.

Theo ông Đặng Ngọc Tùng, nếu chúng ta thông qua một luật BHXH chứa đựng sự bất công như vậy thì chính Quốc hội chúng ta sẽ mang tiếng. “Chúng tôi kiến nghị ngay tại kỳ họp này Quốc hội ra nghị quyết để người lao động có thể lựa chọn lĩnh BHXH một lần hoặc tiếp tục bảo lưu đến lúc nghỉ hưu".

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm trước Quốc hội cũng kể lại câu chuyện về những người lao động xanh xao, mệt mỏi. “Nếu có ghé chợ lề đường nhìn họ mua mớ rau, miếng đậu hũ, quả trứng sẽ hiểu vì sao người lao động lại đặt ra vấn đề hưởng BHXH một lần. Với người này một vài triệu là ít nhưng với người lao động vài triệu là một tài sản mà họ phải lao động cật lực mới có được. Huống chi còn rất nhiều bất trắc trong thị trường lao động đến với họ và họ muốn có thể lựa chọn để hưởng 1 lần, dù đây là lựa chọn bất đắc dĩ".

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng việc nói đến cái lợi hay không “phải đặt trong hoàn cảnh của người lao động” và việc họ muốn có một sự an toàn là chính đáng và phải được pháp luật bảo vệ.

Theo Báo Lao động

 

 

 

 

  

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter