Nhìn ra tỉnh bạn: Cần “mạnh tay với doanh nghiệp quay lưng lại công đoàn


Ngày xuất bản: 30/03/2015 8:05:00 SA
Lượt đọc: 10803

 Ngày 20.3, LĐLĐ Ninh Bình tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch số 07 của UBND tỉnh về thực hiện kết luận số 79 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ-TW của BCH TƯ về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” và Nghị định số 98 của Chính phủ về việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Phải biết chọn nội dung phù hợp

Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất sự cần thiết phải ban hành kế hoạch và khẳng định rằng, công nhân thời đại hiện nay phải không ngừng được nâng cao về chất mới có thể thực hiện được sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, bắt nhịp với trình độ, chất lượng công nhân quốc tế. Rất nhiều biện pháp, chỉ tiêu cụ thể đã được kế hoạch trình bày rõ.

Nhưng từ lý thuyết đến thực tiễn vẫn là cả một khoảng cách. Việc nâng cao chất lượng sống, quan tâm, tạo điều kiện để công nhân có điều kiện nâng cao tay nghề không phải nói là làm được. Cả tỉnh Ninh Bình hiện có hơn 110.000 công nhân lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy. Tuy nhiên, đặc điểm đời sống của công nhân ở đây không như các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… Công nhân ở Ninh Bình đa số là người địa phương, ngoài giờ làm việc ở nhà máy, họ về với gia đình, sinh hoạt cộng đồng chứ không sống tập trung như nhiều nơi khác. Bởi vậy, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, LĐLĐ tỉnh cần chủ động nghiên cứu đề xuất những nội dung chương trình cụ thể phù hợp với đặt điểm tình hình ở địa phương. “Phải biết chọn những đầu việc khả thi nhất, dễ làm nhất thực hiện trước, thực hiện cho thành công rồi hãy nghĩ đến việc làm lớn hơn, vĩ mô hơn”, ông Hùng nói.

Cũng theo Phó ban Tuyên giáo Nguyễn Mạnh Hùng, việc trước mắt cần làm là không ngừng tuyên truyền, giáo dục công nhân nhận thức đầy đủ hơn về pháp luật, ý thức lao động của công nhân và bằng nhiều cách làm cụ thể để chủ sử dụng lao động chấp hành nghiêm túc pháp luật Việt Nam cũng như hiểu được lợi ích khi có tổ chức công đoàn đồng hành.

Cần chế tài mạnh với DN quay lưng lại công đoàn

Hội nghị cũng đã phổ biến, thảo luận nội dung Nghị định số 98/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Tại điểm c, Điều 5 nghị định nêu rõ “Công đoàn cấp trên có quyền chỉ định BCH công đoàn lâm thời của doanh nghiệp để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động” đối với những DN cố tình trây ì, không thành lập tổ chức công đoàn theo quy định.

Các ý kiến thảo luận đều cho đây là “cây gậy” cần thiết trong việc phát triển đoàn viên và nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn. Bởi thực tế, trong hơn 110.000 công nhân lao động trên toàn tỉnh, mới có 62.000 đoàn viên, còn khoảng 50.000 người, chủ yếu lao động trong các nhà máy ximăng, chưa tham gia tổ chức công đoàn. Điển hình của sự cố tình trây ì này là Cty ximăng Duyên Hà (Hoa Lư) và Cty ximăng Hướng Dương (Tam Điệp) với hàng nghìn công nhân. Đã nhiều lần tổ chức công đoàn vào vận động, công nhân có nguyện vọng gia nhập tổ chức nhưng chủ DN không hợp tác.

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến bên lề hội nghị, không phải dễ mà thành lập được BCH công đoàn lâm thời khi DN cố tình không chấp hành. Chủ DN trả lương cho lao động, nếu chỉ định công nhân nào đó tham gia BCH lâm thời, ông chủ không thích, tìm mọi cách o ép, chấm dứt hợp đồng lao động cũng là điều khó cho công nhân. Rất cần chế tài khác đồng bộ, mạnh mẽ hơn để xử lý tình huống này một cách hiệu quả, thiết thực.

(theo Báo Lao động)

 

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter