Tăng cường vai trò của Công đoàn và cải thiện quan hệ lao động: Lấy đàm phán tập thể làm yếu tố cốt lõi


Ngày xuất bản: 04/05/2015 3:45:36 SA
Lượt đọc: 10768

 

Nữ CNLĐ tại KCN Thăng Long (Hà Nội) tham gia một buổi sinh hoạt, tư vấn do CĐ tổ chức. Ảnh: Lê Khánh

Qua khảo sát, nghiên cứu cuộc sống của CNLĐ tại nơi làm việc, chế độ HĐLĐ, cơ cấu tiền lương, nhận thức của CNLĐ về quyền của họ, vai trò của CĐ trong việc củng cố quyền của CNLĐ tại nơi làm việc…, các nhà nghiên cứu trong và ngoài hệ thống CĐ phần nào phản ánh những gì CNLĐ đang cần. Là hoạt động của dự án “Tăng cường quyền của CN và đại diện của CĐ” - tuy chỉ thực hiện tại một số KCN của Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc - nhưng đặt ra những vấn đề đáng suy nghĩ.

Bắt đầu từ cầm tay chỉ việc

Kết quả khảo sát cho thấy để trở thành CNLĐ, chị em không cần có bằng cấp và qua đào tạo nghề. Thường các DN nhận vào, tự đào tạo trong thời gian ngắn rồi đưa xuống làm việc tại dây chuyền theo cách cầm tay chỉ việc. Theo thạc sĩ Đỗ Tá Khánh (Viện Nghiên cứu Châu Âu) - người thực hiện khảo sát về CNLĐ công nghiệp tại 3 địa phương nói trên - một phần cơ cấu lớn trong thu nhập của CNLĐ là thưởng chuyên cần, hỗ trợ đi lại, mà các khoản này lại rất bấp bênh, có thể bị giảm bất kỳ lúc nào. Hệ thống thưởng và đánh giá CNLĐ tại các DN khảo sát dựa trên một loạt các quy định phức tạp khiến CNLĐ không thể bác bỏ những “quyết định không công bằng”, thậm chí tuân thủ đầy đủ cũng không đảm bảo một “mức lương đầy đủ”, nhất là vào thời điểm không phải cao điểm.

Đối với dự định tương lai, thiểu số CNLĐ được hỏi có dự định làm việc lâu dài cho DN; một số coi đây là bước đệm để tiết kiệm hoặc khởi nghiệp, tránh thất nghiệp. Đã có những sinh viên mới tốt nghiệp xin đi làm CNLĐ trong lúc chưa tìm được việc phải giấu bằng tốt nghiệp ĐH, chỉ trình bằng tốt nghiệp cấp 3 mới được nhận vào làm. Sở dĩ như vậy vì nếu tốt nghiệp ĐH, mức lương sẽ cao hơn. Đa số CNLĐ bày tỏ không có dự định gì vì phụ thuộc vào sự phát triển của DN và nữ CNLĐ thì phụ thuộc vào… người chồng tương lai.

Cốt lõi từ đàm phán tập thể

Đối với thực trạng tư vấn pháp luật của CĐ tại những nơi khảo sát, TS Vũ Minh Tiến - Viện phó Viện CNCĐ (Tổng LĐLĐVN) - khẳng định, tư vấn pháp luật cho NLĐ là quyền, trách nhiệm của các cấp CĐ. Càng ngày hoạt động tư vấn pháp luật càng trở nên quan trọng và là công cụ để CĐ thực hiện tốt vai trò của mình. Do đó, các cấp CĐ đều chú trọng hoạt động này. Tại Vĩnh Phúc, LĐLĐ tỉnh đề xuất và được tỉnh hỗ trợ in hàng chục nghìn tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho CNLĐ. LĐLĐ Hà Nội trong các năm 2010-2014 cũng tư vấn lưu động cho 48.320 CNLĐ, tư vấn gián tiếp cho 8.780 CNLĐ. LĐLĐ Hải Dương còn lồng ghép được nhiều hoạt động tư vấn, tuyên truyền ở các cuộc thi tạo hiệu quả cao trong giáo dục pháp luật.

TS Michela Cerimele (Đại học Naples’L’Orientale, Italia) - đơn vị điều phối dự án - đề xuất một số chính sách, trong đó có cách thức tăng cường vai trò của CĐ và cải thiện quan hệ LĐ. Theo đó, cần đưa hoạt động đàm phán tập thể DN thành yếu tố cốt lõi của hoạt động CĐ; giáo dục CNLĐ về quyền của họ (liên quan đến luật và các quy định về thiết lập tiền lương, giờ làm việc, sa thải và thôi việc, khối lượng công việc, kỷ luật LĐ, quyền CĐ) và cần đáp ứng tốt hơn yêu cầu được CĐ bảo vệ tại DN/KCN; tăng cường hoạt động của các trung tâm tư vấn pháp luật theo lãnh thổ…

Các khuyến nghị về vai trò của CĐ trong hoạch định chính sách công nghiệp cũng được đưa ra. Một trong số đó là điều kiện làm việc và mức lương tốt hơn cũng có nghĩa là tạo ra cầu nội địa đối với các sản phẩm nội địa lớn hơn, vì vậy giảm tính dễ bị tổn thương gắn với công nghiệp hóa hướng theo xuất khẩu. Bên cạnh đó thúc đẩy việc phân tích về phát triển công nghiệp dựa trên thông tin từ NLĐ có thể đóng góp lớn cho phát triển kinh tế bền vững của quốc gia vì nó giúp chính phủ đánh giá các lựa chọn chiến lược do tư bản quốc tế đề xuất.

Dự án “Tăng cường quyền của CN và đại diện của CĐ” được Liên minh Châu Âu tài trợ, thực hiện từ tháng 10.2012 đến tháng 4.2015 do Trường ĐH Naples’L’Orientale (Italia) làm điều phối, cùng với các đối tác là Viện Nghiên cứu KT&XH, thuộc CĐ CGIL, Italia; Quỹ Văn hóa mùng 1 tháng 5, thuộc CĐ CCOO, Tây Ban Nha; Viện nghiên cứu CN&CĐ (Tổng LĐLĐVN); Trường đại học CĐ; Viện Nghiên cứu Châu Âu (Viện Hàn lâm KHXHVN).

 

(theo Báo Lao động)

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter