Thỏa ước lao động tập thể: Làm sao đôi bên cùng có lợi


Ngày xuất bản: 09/11/2015 6:45:09 SA
Lượt đọc: 11002

 YBĐT - Đầu năm 2015, mới chỉ có 5/13 đơn vị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện chương trình nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể.

Người lao động có quyền được hưởng lương phù hợp trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động. (Ảnh: Cán bộ giám sát thi công xây dựng công trình Bệnh viện Đa khoa 500 giường - Ảnh: Linh Chi)

 Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là sự tiến bộ xã hội, thừa nhận quyền của người làm công ăn lương, được thông qua đại diện của mình là công đoàn để xác định tập thể những điều kiện lao động, nhất là những điều kiện có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật lao động... Tuy nhiên, qua khảo sát 294 doanh nghiệp, hợp tác xã về chất lượng thương lượng, ký kết, thực hiện TƯLĐTT đã bộc lộ những vấn đề đáng quan tâm.

Hạn chế trong thực hiện

Xác định được vai trò, ý nghĩa của TƯLĐTT, thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các công đoàn cấp trên cơ sở thực hiện Chương trình Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT thông qua hướng dẫn cụ thể, chi tiết về quy trình, các bước về thương lượng tập thể, thiết kế văn bản làm mẫu cung cấp cho các đơn vị thực hiện thương lượng, ký kết TƯLĐTT lần đầu và làm tư liệu phục vụ cho công tác tư vấn pháp luật của công đoàn, phối hợp với các ngành chức năng như bảo hiểm xã hội, lao động, thương binh và xã hội kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật về lao động, trong đó lồng ghép nội dung kiểm tra việc thực hiện chương trình… nhưng qua số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các đơn vị trực thuộc đến hết năm 2014, với những đơn vị có tổ chức công đoàn, trong tổng số 128 doanh nghiệp khu vực sản xuất kinh doanh (số liệu khảo sát trong 294 doanh nghiệp) có 67 đơn vị đủ điều kiện ký TƯLĐTT nhưng chỉ 46 doanh nghiệp ký, 2 doanh nghiệp có TƯLĐTT hết hạn nhưng chưa sửa đổi, ký mới. Với những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, trong 147 doanh nghiệp, có 31 đơn vị đủ điều kiện ký TƯLĐTT nhưng chưa đơn vị nào có TƯLĐTT.

TƯLĐTT góp phần điều hòa lợi ích, tạo ra những điều kiện cho sự gắn bó chặt chẽ giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Trong ảnh: Người lao động Công ty TNHH Doanh Mùi ở xã Hưng Thịnh, Trấn Yên được trả lương theo vị trí công việc.

Ông Nguyễn Đức Ân - Trưởng ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh lý giải: “Nếu tính số lượng TƯLĐTT trong các doanh nghiệp có điều kiện ký thì tỷ lệ đơn vị có TƯLĐTT tương đối cao (chiếm tới 67%). Đây là những doanh nghiệp có tổ chức công đoàn. Nhưng nếu tính tỷ lệ số TƯLĐTT đã có trên tổng số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thì lại rất thấp (chỉ đạt khoảng 36%).

Thời điểm đầu năm 2015, mới chỉ có 5/13 đơn vị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện chương trình nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT. Đây là một trong những tồn tại rất lớn bởi số đơn vị thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh không nhiều, thậm chí một số đơn vị chưa triển khai, hoặc có làm nhưng mang tính hình thức và có tới 8 đơn vị chưa thực hiện báo cáo về LĐLĐ tỉnh kế hoạch thực hiện chương trình và kế hoạch của LĐLĐ về nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT. Một số công đoàn cấp trên cơ sở mới chỉ dừng ở việc chỉ đạo đôn đốc, chưa có biện pháp giúp đỡ thiết thực, chưa giúp công đoàn cơ sở (CĐCS) đưa ra yêu cầu nội dung thương lượng, chưa có công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hỗ trợ trong quá trình đàm phán thương lượng tập thể.

Một trong những vấn đề hạn chế nhất về công tác này là CĐCS chưa đưa ra được nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật và đạt được trong thương lượng tập thể để đưa vào TƯLĐTT mà 100% các TƯLĐTT có nhiều nội dung pháp luật đã quy định, ít nội dung có lợi hơn cho người lao động. Đặc biệt, nhiều đơn vị không thực hiện được đúng quy trình thương lượng, ký TƯLĐTT như bỏ các bước: lấy ý kiến vào dự thảo nội dung chuẩn bị cho hội nghị thương lượng, thu thập thông tin, thành lập tổ thương lượng. Không ít đơn vị lấy ý kiến biểu quyết đồng ý của tập thể người lao động vào những nội dung đã đạt được từ hội nghị thương lượng tập thể một cách rất hình thức, không theo hướng dẫn. Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT không được quan tâm. Có tới 100% các TƯLĐTT không được sửa đổi, bổ sung theo quy định…

Nguyên nhân từ nhận thức

Qua kết quả thực hiện nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT thời gian qua, khẳng định nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế bắt nguồn từ nhận thức. Theo đó, một bộ phận cán bộ công đoàn chưa thực sự quan tâm tới việc nâng cao chất lượng TƯLĐTT và cho rằng, đây là nội dung không quan trọng trong hoạt động công đoàn. Không ít cán bộ công đoàn hiểu chưa đúng, chưa đủ về quyền, nghĩa vụ của tổ chức công đoàn trong nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT và coi đây là nhiệm vụ của chủ sử dụng lao động.

Thậm chí, do không nghiên cứu văn bản chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh, văn bản của Tổng LĐLĐ nên có cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở còn hướng dẫn CĐCS căn cứ Nghị định 60/2013/NĐ-CP để thực hiện quy trình thương lượng ký kết TƯLĐTT, trong khi Nghị định này là để hướng dẫn thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Cùng với đó, trình độ kiến thức về pháp luật nói chung và pháp luật về lao động nói riêng của của cán bộ công đoàn, đặc biệt là cán bộ CĐCS rất hạn chế, chưa tương xứng với trình độ của người sử dụng lao động, kỹ năng cần thiết của người tham gia thương lượng chưa cao... Vì vậy, rất khó để đưa ra được những nội dung có lợi hơn so với quy định của pháp luật vào TƯLĐTT.

Bà Đinh Thị Hồng Lan - Phó chủ tịch LĐLĐ thành phố Yên Bái cho biết: “Chương trình Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT, được LĐLĐ thành phố xác định lấy công tác tuyên truyền, vận động là hoạt động chính. Bởi chỉ khi người chủ sử dụng lao động, người lao động hiểu rõ vai trò của TƯLĐTT, nắm được pháp luật về lao động thì chất lượng thương lượng mới đạt kết quả. Hiện, đa số CĐCS đã chủ động đề xuất ý kiến với chủ sử dụng lao động về thương lượng và ký kết TƯLĐTT. LĐLĐ thành phố đang tập trung giúp đỡ Công đoàn Tổng công ty Hòa Bình Minh, Công ty TNHH Hòa Bình xây dựng, ký kết TƯLĐTT, hướng dẫn Công đoàn Công ty cổ phần Dinh dưỡng Việt Tín, Công ty cổ phần An Phát về quy trình xây dựng TƯLĐTT. Phấn đấu năm 2016, thành phố sẽ có khoảng 10/20 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có tổ chức công đoàn ký kết và thực hiện TƯLĐTT”.

TƯLĐTT đề cập tới những vấn đề cơ bản mà pháp luật quy định như: tiền lương, thưởng, nâng lương, nâng bậc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, vấn đề an toàn lao động… Ngoài ra, TƯLĐTT của nhiều đơn vị cũng đề cập tới một số nội dung tuy không lớn nhưng rất thiết thực với người lao động như chế độ nghỉ phép hàng năm, tiền trợ cấp khó khăn, thăm quan du lịch, cải thiện điều kiện làm việc, chế độ nghỉ việc riêng không hưởng lương… Tuy nhiên, 100% cán bộ CĐCS hoạt động kiêm nghiệm, việc làm, thu nhập hoàn toàn phụ thuộc vào người sử dụng lao động nên những điều bổ sung, quy định có lợi cho người lao động cũng chỉ ở mức độ nhất định. Từ đó, dẫn đến trong TƯLĐTT có nhiều nội dung “sao chép” luật, không cần thương lượng cũng có kết quả và TƯLĐTT mang tính hình thức.

Công nhân Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái trong công đoạn ép vỉ thuốc.

Để hình thành nên mối quan hệ lao động có tính tập thể

TƯLĐTT là cơ sở pháp lý chủ yếu, để từ đó hình thành nên mối quan hệ lao động có tính tập thể, tạo nên sự cộng đồng trách nhiệm của cả hai bên trong thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh trên cơ sở pháp luật lao động. Hơn nữa, nó còn tạo điều kiện để người lao động, bằng sự thượng lượng, thông qua sức mạnh của cả tập thể với người sử dụng lao động để có thể hưởng những lợi ích cao hơn so với sự quy định trong pháp luật, góp phần điều hòa lợi ích, hạn chế cạnh tranh không cần thiết, tạo ra những điều kiện cho sự gắn bó chặt chẽ giữa người lao động và người sử dụng lao động. TƯLĐTT còn là cơ sở pháp lý quan trọng để xem xét giải quyết tranh chấp lao động tập thể, một khi có tranh chấp lao động tập thể xảy ra. Vì vậy, thời gian tới, các cấp công đoàn cần tập trung thực hiện tốt Chương trình Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết, thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT, thực hiện quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện TƯLĐTT. Công đoàn cấp trên cơ sở cần tăng cường tập huấn cán bộ CĐCS, hỗ trợ trong thương lượng tập thể. Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về lao động, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người sử dụng lao động, người lao động và nhất là cán bộ công đoàn. Cần nâng cao trách nhiệm của ban chấp hành CĐCS trong giám sát thực hiện TƯLĐTT của cả người sử dụng lao động và người lao động; yêu cầu người sử dụng lao động định kỳ cùng nhau đánh giá việc thực hiện các điều khoản, các cam kết giữa các bên.

“Để nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện hiệu quả TƯLĐTT, cán bộ CĐCS phải tạo được mối quan hệ tốt, thân thiện với người sử dụng lao động. CĐCS cần nắm được khó khăn, thấu hiểu được hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tâm lý người lao động. Thương lượng ký kết TƯLĐTT trên tinh thần chia sẻ, không gây áp lực cho doanh nghiệp và đôi bên cùng có lợi…” - ông Nguyễn Ngọc Lan - Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh khẳng định.

Thành Trung

(theo Yên Bái)

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter