Thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể - "Con đường không bằng phẳng"


Ngày xuất bản: 01/07/2015 1:49:14 SA
Lượt đọc: 11296

 Theo báo cáo thống kê của các cấp công đoàn, đến thời điểm tháng 5/2015 tỉnh Yên Bái thì mới có 63/1.339 doanh nghiệp (DN) có Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT). Trong 63 DN có TƯLĐTT có khoảng 15% DN thực hiện đúng quy trình thương lượng tập thể (TLTT), nhiều DN xây dựng và ban hành TƯLĐTT chỉ là để đối phó.

Có thể nói các DN của tỉnh Yên Bái đều phải hoạt động trong những điều kiện không thuận lợi của đặc thù tỉnh miền núi. Nhưng với những nỗ lực vượt khó đi lên, hằng năm bình quân các DN đã giải quyết việc làm cho trên 20 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng, đồng thời cũng đã có những đóng góp quan trọng vào các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội của địa phương. Trong thời gian gần đây và hiện nay các DN của tỉnh Yên Bái đang tiếp tục chịu những áp lực về nguồn vốn ít, mức tiêu thụ hàng hóa chậm, giá cả thị trường biến động, thời tiết diễn biến khó lường ... dẫn đến tình trạng thiếu việc làm ở nhiều DN và kéo theo đời sống, thu nhập của người lao động (NLĐ) gặp không ít khó khăn. Đây cũng chính là căn nguyên trở ngại đối với tổ chức Công đoàn trong việc thực hiện trách nhiệm của mình về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, mà trong đó phải kể đến kết quả của hoạt động thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT. Mặc dù đại đa số DN đều thống nhất cho rằng việc thực hiện ký kết TƯLĐTT là việc làm có lợi cho tất cả các bên trong quan hệ lao động, nó không chỉ là cơ sở pháp lý bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, người sử dụng lao động (NSDLĐ), mà còn tạo nên sự cộng đồng trách nhiệm của các bên trên cơ sở xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, cùng nhau hợp tác và phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế số các DN có TƯLĐTT trên địa bàn tỉnh chưa đạt như mong muốn; số DN có TƯLĐTT trong nội dung cũng đã đề cập đến những vấn đề cơ bản được pháp luật quy định như: Tiền lương, tiền thưởng, làm thêm giờ, ăn ca, trợ cấp khó khăn; nâng lương, nâng bậc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, nghỉ việc riêng, nghỉ phép, nghỉ ốm, nghỉ con ốm, nghỉ thai sản, nghỉ vệ sinh cá nhân đối với lao động nữ; điều kiện lao động, an toàn vệ sinh lao động, nơi vệ sinh, nơi thay quần áo dành cho lao động nữ, thi đua khen thưởng và các chế độ phúc lợi khác ... nhưng cũng chủ yếu vẫn là sao chép từ luật quy định, chỉ có một số ít TƯLĐTT có thêm một số điều khoản như: Hỗ trợ hiếu - hỷ, tặng quà sinh nhật, hỗ trợ xăng xe ... cho NLĐ, không ít văn bản TƯLĐTT có đề cập đến rất nhiều vấn đề quan hệ lao động nhưng lại rất ít hoặc không có điều khoản nào có lợi hơn cho NLĐ.

 

 

Công ty TNHH Hòa Bình - đơn vị thực hiện tốt việc lượng lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT.

Trong ảnh: Lãnh đạo Công ty trao thưởng cho các cá nhân đạt giải Hội thi “Bán hàng chuyên nghiệp”

năm 2015 (ảnh Minh Tuấn)

Tại hội nghị đánh giá kết quả triển khai thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT do Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức ngày 5/6/2015 vừa qua, có rất nhiều ý kiến của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và Công đoàn cơ sở đã phân tích đến những vấn đề về nguyên nhân, những khó khăn trở ngại, như là: Về cơ sở pháp lý hiện nay chưa đồng nhất, Bộ Luật Lao động và Nghị định 18/CP ngày 26/12/1992 của Chính phủ quy định “việc ký kết TƯLĐTT được áp dụng ở các DN”, nhưng không có điều khoản “bắt buộc DN phải thực hiện”, Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ cũng không có điều khoản quy định xử phạt đối với DN không có TƯLĐTT; Về phía NLĐ đại đa số họ đều không quan tâm đến việc có hay không có TƯLĐTT, họ chỉ mong muốn có đủ việc làm thường xuyên và có thu nhập ổn định, cùng đó là quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của họ được DN thực hiện đầy đủ theo đúng luật định; Về phía NSDLĐ hầu hết họ đều có nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của việc chăm lo cho NLĐ, vì thế nếu đại đa số NSDLĐ cũng luôn sẵn sàng nhất trí đối với một số điều khoản có lợi hơn cho NLĐ khi DN có điều kiện như: Hỗ trợ hiếu - hỷ, tặng quà sinh nhật, thăm quan nghỉ mát ... nhưng họ không muốn “văn bản hóa” và trở thành điều khoản “cứng”, bởi họ lo lắng nếu DN gặp khó khăn, không có điều kiện thực hiện những điều khoản đã ký, như vậy vô hình chung họ lại là người vi phạm TƯLĐTT; Về phía cán bộ Công đoàn cơ sở (CĐCS) việc thực hiện nhiệm vụ công tác công đoàn là kiêm nhiệm, do áp lực công việc chuyên môn, thiếu thời gian đầu tư cho hoạt động công đoàn, bên cạnh đó hầu hết chưa có kiến thức và kỹ năng về thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT, thiếu bản lĩnh, ngại va chạm ... nguyên nhân sâu sa là do họ cũng là người làm công cho DN; Đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, hầu hết các đơn vị chưa chủ động, chưa nghiêm túc trong việc tổ chức triển khai, chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở thực hiện; chưa tổ chức tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng thương lượng, ký kết TƯLĐTT cho đội ngũ cán bộ CĐCS; đáng ngại hơn nhiều cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở chưa nắm chắc về những quy định của quy trình và nội dung thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT, vì vậy chưa giúp đỡ, hỗ trợ CĐCS đạt hiệu quả.

Với mục tiêu từng bước nâng cao số lượng các DN ký kết TƯLĐTT, nâng cao chất lượng của nội dung văn bản TƯLĐTT và nâng cao chất lượng của các bên trong việc thực hiện nội dung TƯLĐTT đã được ký kết, Liên đoàn Lao động tỉnh đề ra một số giải pháp mang tính bài bản, nề nếp, có lộ trình, vừa cấp bách, vừa mang tính đột phá và vừa phải quyết tâm cao, đó là: Liên đoàn Lao động tỉnh đẩy mạnh và phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động TB&XH, Ban Quản lý các khu công nghiệp của tỉnh trong việc hỗ trợ CĐCS về thương lượng, ký kết TƯLĐTT; đề ra chỉ tiêu cụ thể cho từng năm, từng giai đoạn về số DN có TƯLĐTT và được đảm bảo về nội dung một cách phù hợp với từng đơn vị theo hướng có lợi hơn cho NLĐ; Các ban nghiệp vụ Liên đoàn Lao động tỉnh và công đoàn cấp trên cơ sở xây dựng tiêu chí cho từng chỉ tiêu thực hiện theo Chương trình số 1468/TLĐ ngày 9/10/2013 của Tổng Liên đoàn LĐVN và tiến hành khảo sát, rà soát, phân loại các DN để tổ chức thực hiện; Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chủ động trong việc đôn đốc, chỉ đạo CĐCS thương lượng, ký kết TƯLĐTT; nghiên cứu và sử dụng các biện pháp hỗ trợ giúp đỡ CĐCS trong việc đưa ra những yêu cầu nội dung của quá trình đàm phán thương lượng, đối thoại; đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên sâu cho cán bộ CĐCS nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng, cách thức, phương pháp sử dụng các công cụ đối thoại và tập hợp ý kiến của người lao động để tham gia thương lượng với NSDLĐ; Tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật lao động cho NSDLĐ, NLĐ; trong đó chú trọng tuyên truyền về ý nghĩa và sự cần thiết của hoạt thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT cho NLĐ; Các cấp công đoàn tăng cường phối hợp với các ngành chức năng đồng cấp thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động của các DN; Cùng với đó tích cực nghiên cứu, đề xuất với Tỉnh nhằm hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn để giúp DN ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, như vậy DN mới yên tâm và có điều kiện thực hiện tốt trách nhiệm của DN trong vấn đề đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp đối với NLĐ.

Có thể nói việc thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT là con đường vô cùng gian nan, khó khăn và vất vả mà các cấp công đoàn đã, đang và sẽ thực hiện; tuy nhiên, với ý kiến chỉ đạo của đồng chí Vương Văn Bằng – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh “với chức năng của mình, với vai trò của mình, cho dù hoạt động thương lượng,ký kết và thực hiện TƯLĐTT khó khăn hơn thế, gian nan hơn thế thì tổ chức Công đoàn vẫn phải quyết tâm từng bước thực hiện, từng bước đạt kết quả”.

Bích Khang – Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter