Trao đổi kinh nghiệm: Thắng - Thua là do mình!


Ngày xuất bản: 06/04/2015 12:25:38 SA
Lượt đọc: 10773

 Lắng nghe và chia sẻ với NLĐ sẽ giúp những căng thẳng giữa NLĐ và DN được giải quyết.

Những mâu thuẫn phát sinh dẫn đến tranh chấp lao động, đôi khi dẫn đến kiện cáo kéo dài gây mệt mỏi cho người lao động (NLĐ), doanh nghiệp (DN) cũng mất uy tín. Tuy nhiên, nếu đôi bên bình tĩnh thì mọi việc đã được giải quyết, cả hai đều “thắng” chứ không phải “thua trắng tay”.

Người lao động đòi ký hợp đồng nhưng đòi… không kiên quyết

Anh V.T.Khanh vào làm việc tại Cty M.N (quận Bình Thạnh, TPHCM) theo lời mời miệng với mức lương gần 10 triệu đồng/tháng. Vì nghĩ chỗ thân quen, có người giới thiệu nên anh hăm hở về làm việc mà không suy nghĩ nhiều, trong khi HĐLĐ chưa được ký và giám đốc luôn hứa sẽ sớm ký HĐLĐ cho anh. Làm việc được một năm, anh bị ốm phải nằm viện, viện phí hơn 10 triệu đồng. Vì không được ký HĐLĐ nên Cty không đóng BHXH cho anh, anh cũng không được tham gia BHYT, toàn bộ viện phí anh đều phải chi trả.

Ra viện, anh đến Cty khiếu nại thì ban giám đốc đồng ý trả cho anh 80% viện phí, gần bằng số tiền mà nếu anh tham gia BHYT thì cơ quan BHYT sẽ trả nên vụ việc trôi qua. “Sau đó, có phần bất an nên tôi yêu cầu Cty ký HĐLĐ, tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho tôi nhưng Cty cứ hẹn tới hẹn lui, khi thì chuẩn bị ký thì giám đốc đi vắng, khi thì chính sách nhà nước thay đổi nên phải làm lại HĐLĐ mới, cứ vậy gần 2 năm nữa trôi qua mà tôi vẫn không được ký HĐLĐ!”, anh Khanh trình bày.

Đến giữa năm 2014, Cty đột ngột cho anh nghỉ việc mà không có lý do. “Cty chỉ thông báo miệng. Tôi làm đơn khiếu nại lên cơ quan chức năng thì Cty tuyên bố “sẵn sàng đi hầu”. Sau nhiều lần dò hỏi thì tôi mới biết, Cty cho tôi nghỉ vì tôi hay đòi hỏi, còn Cty tự tin... đi hầu kiện vì cho rằng họ không ký HĐLĐ với tôi nên không sợ”, anh Khanh nói.

Theo luật sư Nguyễn Văn Nam (TPHCM), dù Cty và anh Khanh không ký HĐLĐ nhưng thực tế quan hệ lao động giữa anh Khanh và Cty vẫn phát sinh, bằng chứng là Cty có chuyển lương cho anh Khanh qua tài khoản, cho anh Khanh nghỉ phép năm và trả viện phí khi anh Khanh nằm viện… nên anh Khanh có đủ cơ sở để kiện vụ việc ra tòa để đòi quyền lợi chính đáng của mình.

Doanh nghiệp dùng “tiểu xảo” ép nhân viên

Anh N.T.T và H.Q.B cùng Công ty TNHH H.V (Bình Dương) ký HĐLĐ không xác định thời hạn với công việc bảo trì máy. Một lần, sau khi xong việc, còn khoảng 10 phút là hết giờ, các anh ngồi nghỉ ngơi để chuẩn bị về thì tổng giám đốc Y. bắt gặp. Ông cho rằng các anh không làm việc mà tụ tập chơi bài nên lập biên bản. Hai anh không ký vì sự thật không đúng như vậy. Năm ngày sau, các anh nhận được quyết định điều chuyển sang làm vệ sinh cống rãnh trong 2 tháng. Khi NLĐ khiếu nại, giám đốc cho rằng theo đúng luật, tùy vào nhu cầu sản xuất của Cty, giám đốc có quyền điều chuyển nhưng không quá 60 ngày. Nhưng sau khi NLĐ khiếu nại, giám đốc lại chuyển NLĐ sang vị trí… nhổ cỏ.

“Thiệt tình, nếu không muốn sử dụng chúng tôi thì Cty cần nói chuyện đàng hoàng, thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ chứ sao lại dùng “tiểu xảo”, o ép chúng tôi. Chúng tôi sẽ kiện để người ta thấy cái ác độc của Cty”, anh T trình bày.

“Trong lúc DN khó khăn, việc cắt giảm LĐ là chuyện bình thường, nhưng cái NLĐ cần là khi chủ DN ký HĐLĐ với họ như thế nào thì khi cho họ nghỉ việc cũng phải như vậy. Nếu dùng “tiểu xảo” để chèn ép khiến họ nản lòng rồi tự nghỉ, để không phải bồi thường gì thì thật là vô lương tâm”, ông Lê Thành Được - Giám đốc Cty Thành Được (TPHCM) - chia sẻ.

(theo Báo Lao động điện tử)

 

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter