Tự lực, tự cường, anh dũng, sáng tạo xây dựng, bảo vệ đất nước


Ngày xuất bản: 26/06/2015 7:42:05 SA
Lượt đọc: 11053

 YBĐT - Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, Yên Bái đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách của nạn "giặc đói", "giặc dốt" và giặc ngoại xâm. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và quân dân các dân tộc Yên Bái đã góp phần bảo vệ vững chắc chính quyền non trẻ, củng cố lực lượng vũ trang, chuẩn bị mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

 

Từ năm 1947, thực dân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng, chúng đã thôn tính hai phần ba diện tích của tỉnh. Tỉnh Yên Bái đã thực hiện đường lối kháng chiến "toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh" kết hợp vừa kháng chiến vừa kiến quốc, xây dựng hậu phương. Quân và dân Yên Bái đã đóng góp sức người, sức của và phối hợp với bộ đội chủ lực mở nhiều chiến dịch như Sông Thao (1949), Lê Hồng Phong (1950), Lý Thường Kiệt (1951). Đặc biệt, trong Chiến dịch Tây Bắc (1952) đã đập tan hoàn toàn Phân khu Nghĩa Lộ, mở thông cánh cửa sang Phân khu sông Đà, giải phóng hoàn toàn tỉnh Yên Bái.

Cầu Yên Bái - cây cầu đầu tiên của tỉnh bắc qua sông Hồng nối thành phố Yên Bái với các huyện, thị phía tây.

Ngay sau khi được giải phóng, toàn tỉnh lại dồn sức vào thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao là mở con đường huyết mạch nối liền căn cứ địa Việt Bắc với chiến trường Tây Bắc và huy động sức người, sức của, góp phần to lớn cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Hòa bình lập lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc Yên Bái bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội. Trong khí thế toàn dân thi đua khôi phục kinh tế - xã hội, một niềm vui lớn đối với đồng bào các dân tộc Yên Bái: ngày 25/9/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu phái đoàn Đảng và Chính phủ về thăm Yên Bái. Đây là vinh dự to lớn, cổ vũ mạnh mẽ các phong trào cách mạng của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Những lời căn dặn chí tình của Người đã động viên, thôi thúc toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân trên địa bàn thi đua phấn đấu vượt lên khó khăn, quyết tâm xây dựng đời sống văn hoá mới, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm và không ngừng phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc.

Tiếp nối truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Yên Bái đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ cùng cả nước chống Mỹ, cứu nước. Với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", quân và dân Yên Bái vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Hàng vạn thanh niên các dân tộc đã xung phong tòng quân, lên đường đánh giặc; hàng nghìn người con thân yêu của quê hương Yên Bái đã hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc vào mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước cùng đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc, quân và dân Yên Bái trực tiếp chiến đấu dũng cảm, làm thất bại các âm mưu phá hoại, xâm lược, gây mất ổn định của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia. Ghi nhận công lao to lớn trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, chống kẻ thù xâm lược của quân, dân Yên Bái, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tỉnh Yên Bái.
Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Yên Bái luôn đổi mới cách nghĩ, cách làm, tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo trong việc cụ thể đường lối đổi mới của Đảng vào thực tiễn địa phương, khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có, huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Thực hiện đường lối đổi mới, đặc biệt là từ khi tái lập tỉnh (1991), mặc dù phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống anh hùng, phấn đấu vươn lên đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên mọi mặt của đời sống xã hội.

Cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã bước sang một trang sử mới, thời kỳ phát triển mới: Hoà bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc, cùng cả nước vững bước trên con đường đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập và phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Yên Bái đã trở thành một tỉnh phát triển khá toàn diện và ngày càng vững chắc. Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá; văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát triển kinh tế hàng hoá, đẩy mạnh xoá đói, giảm nghèo, ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Bộ mặt từ thành thị đến nông thôn, cả vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều đổi thay và không ngừng phát triển, tiến bộ.

Từ một tỉnh nghèo nàn, lạc hậu với kinh tế nông nghiệp tự cung tự cấp, du canh du cư, Yên Bái đã chuyển sang nền kinh tế hàng hoá phát triển đa dạng, có tốc độ tăng trưởng cao và cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trong đó, nông nghiệp Yên Bái không chỉ làm cho người dân đủ ăn mà đã có tích luỹ, từng bước làm giàu; chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá; hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung với phương pháp canh tác mới và nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất, gắn với các cơ sở chế biến công nghiệp và thị trường. Chăn nuôi, thuỷ sản và lâm nghiệp đang phát triển mạnh, trở thành những ngành sản xuất chính. Yên Bái cũng là tỉnh sớm đi đầu trong phát triển kinh tế trang trại và sản phẩm nông, lâm sản của tỉnh không những tiêu thụ trong nước mà đã có một số sản phẩm được xuất khẩu đi nhiều nước.

Công nghiệp của tỉnh đã có một nền tảng khá phát triển, là một trong số các tỉnh dẫn đầu khu vực về giá trị sản xuất công nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có  gần 2 chục khu, cụm công nghiệp với diện tích đất quy hoạch hơn 2.000 ha. Những sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh như xi-măng 1,2 triệu tấn/năm, bột đá 450 nghìn tấn/năm, nguyên liệu gốm sứ và nhiều mặt hàng nông, lâm sản...

Hệ thống thương mại, dịch vụ của tỉnh đã phát triển mạnh, đạt tốc độ tăng trưởng cao, sản phẩm đa dạng, chất lượng ngày càng tốt hơn. Hệ thống chợ từ thành thị đến nông thôn phát triển khá nhanh; các siêu thị, cửa hàng tự chọn xuất hiện ngày càng nhiều ở thành phố, thị xã và các khu dân cư tập trung; các dịch vụ vận tải, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính, viễn thông, điện, nước... phát triển nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt ngày càng cao của các thành phần kinh tế và của người dân.

Yên Bái đã có một hệ thống giao thông khá đồng bộ, gồm đường bộ, đường sắt, đường thuỷ... đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, với gần 5.000 km đường bộ, bảo đảm đi lại thuận tiện và nhanh chóng; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm; có bốn cây cầu hiện đại vượt sông Hồng và là một trong các tỉnh đi đầu cả nước về xây dựng giao thông nông thôn, tạo điều kiện đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.

Yên Bái đã có một trung tâm tỉnh phát triển và trở thành thành phố đầu tiên ở vùng Tây Bắc - một thành phố phát triển theo hướng xanh, sạch, đẹp, văn minh; "một thành phố trong rừng và rừng trong thành phố". Cùng với đó, mạng lưới đô thị phát triển đồng bộ ở các địa phương trong tỉnh, với thị xã Nghĩa Lộ và nhiều thị trấn, thị tứ ngày càng khang trang, hiện đại, làm đổi thay hẳn bộ mặt của một miền rừng núi.

Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Yên Bái đã đổi thay toàn diện và tích cực. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ được coi trọng và có bước phát triển vượt bậc. Hệ thống giáo dục phát triển toàn diện và mạng lưới trường lớp học đã đến tất cả các xã trong tỉnh. Giáo dục tỉnh Yên Bái có những thành tựu nổi bật: đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2007; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 2009; có trên 1 trăm trường đạt chuẩn quốc gia.

Hệ thống y tế phát triển mạnh tới tận thôn bản, với tỷ lệ 7 bác sĩ/một vạn dân, toàn tỉnh có hơn 70% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, bảo đảm nâng cao chất lượng sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Văn hoá, thông tin phát triển mạnh cả về loại hình, chất lượng; các thiết chế văn hoá, thể thao được đầu tư xây tương đối đồng bộ; chăm lo gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc. Các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Tỉnh đã xây dựng được nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, gắn xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, mà nòng cốt là các lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ, công an viên khá đông đảo, có sức chiến đấu cao, là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.

Hệ thống chính trị của tỉnh Yên Bái được xây dựng đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã không ngừng vươn lên đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trong từng thời kỳ cách mạng. Đảng bộ đã luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực và sức chiến đấu; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; làm tốt công tác chính trị tư tưởng; thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đạt kết quả; quan tâm xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, đáp ứng vai trò là hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức có phẩm chất đạo đức, có năng lực công tác, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, công tác vận động quần chúng của Đảng. Xây dựng hệ thống chính quyền từ tỉnh đến cơ sở vững mạnh; phát huy vai trò đoàn kết các dân tộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và phát triển tỉnh Yên Bái; mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, nhân dân với Đảng ngày càng bền chặt.

Có thể tự hào rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã giác ngộ, giáo dục, tập hợp, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân Yên Bái, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc. Sức mạnh của cả Đảng bộ, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân trong tỉnh đã làm nên kỳ tích anh hùng - một tỉnh Yên Bái phát triển toàn diện, vững bước đi lên cùng cả nước trong sự nghiệp đổi mới - công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. 

(theo Báo Yên Bái)

 

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter