Người lao động phải làm gì khi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
Câu hỏi: Với lý do công ty cho bạn thôi việc, có thể đối chiếu với điểm a, khoản 1, Điều 36 về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động khi “a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;”.
Theo thông tin bạn cung cấp công ty không có quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc, mà chỉ có quy định trả lương, thưởng ngoài mức lương 4,2 triệu đồng theo doanh số bán hàng và công ty cũng chưa từng đánh giá mức độ hoàn thành công việc của bạn thì việc công ty cho bạn thôi việc với lý do “không đạt được yêu cầu công việc, đặc biệt là không đạt chỉ tiêu doanh thu bán hàng theo quy định của công ty” là không đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tại điểm b, khoản 2, Điều 36 quy định khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động “b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng”. Ngày 28/2 công ty gửi thông báo cho bạn thôi việc từ ngày 01/3 là chưa đảm bảo thời gian báo trước theo quy định.
Theo quy định tại Điều 41 về “Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật:
1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Sau khi được nhận lại làm việc, người lao động hoàn trả cho người sử dụng lao động các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của người sử dụng lao động.
Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước quy định tại khoản 2 Điều 36 của Bộ luật này thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này để chấm dứt hợp đồng lao động.
3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền người sử dụng lao động phải trả theo quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.”
Như vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình, bạn yêu cầu công ty nhận trở lại làm việc theo hợp đồng đã giao kết và thanh toán cho bạn những khoản tiền theo quy định tại khoản 1 nêu trên hoặc nếu công ty không muốn nhận lại bạn thì bạn có quyền thỏa thuận với công ty về những nội dung quy định tại khoản 3 nêu trên.
Nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc công ty không giải quyết thỏa đáng, bạn liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 0914.964.626 (Đồng chí Đỗ Thị Quỳnh Giang - Phó Trưởng ban Ban Nghiệp vụ Liên đoàn Lao động tỉnh) để được hỗ trợ.
Chúc bạn sức khỏe và may mắn!




